Tuesday, 1 January 2008

25 Xếp Hạng Các Trường Đại Học





Đối với nhiều bậc cha mẹ cũng như các học sinh nói chung, nếu còn phân vân chưa biết lựa chọn trường đại học nào thì sự xếp hạng trên U.S News & World Report cung cấp một điểm khởi đầu bởi vì nó cho độc giả một cái nhìn tương đối khi so sánh giữa các trường.

Nếu các trường đứng gần nhau, sự khác biệt hầu như không có ý nghĩa nhưng nếu vị trí đó xa nhau, chúng ta nên đặt câu hỏi và xứng đáng tìm một câu trả lời.

Bảng xếp hạng nhiều khi chỉ được đọc cho vui hơn là giúp ích cho các học sinh có ý định xem xét con đường đại học trong những năm sắp tới. Dựa vào bảng xếp hạng, đôi khi chúng ta có thể biết được khả năng con em mình có thể vào được trường đại học yêu thích hay không – bởi vì các trường đại học khi tuyển lựa tân sinh viên vẫn cố tình chọn lọc sao cho trường mình được xếp hạng cao hơn trong danh sách năm tới. Điều này cũng giống như các trường trung học đang ngày càng khuyến khích nhiều học sinh lấy các lớp AP mà mục đích là làm tăng hạng của trường hơn là vì lợi ích của học sinh.

Một số trường đại học không cần biết một học sinh có phải là thủ khoa (valedictorian) hay không mà chỉ cần học sinh đó đứng trong "top 10%" (10% hạng cao nhất của lớp) là đã đủ tiêu chuẩn về thứ hạng. Đại học Princeton theo thống kê đã loại bỏ 8 trong số 10 thủ khoa nộp đơn vào trường đại học này chính vì khi xếp hạng U.S News & World Report không quan tâm tới yếu tố "thủ khoa."

Trước hết nên tìm hiểu vài danh từ được dùng. Ở đây các từ đó được dựa trên định nghĩa hơn là cố gắng dịch từng chữ mà trong một số trường hợp có thể gây hiểu lầm.

  1. National Universities
    Trên toàn quốc Hoa kỳ chỉ có 249 đại học đủ tiêu chuẩn này do Carnegie Foundation xếp hạng. Những trường đại học trên chuyên về nghiên cứu (research) và tập trung chú ý vào học trình sau Cử nhân.

    Thí dụ đại học Stanford năm 2006 có 6,705 sinh viên theo học bậc Cử nhân (undergraduate) và 8,176 sinh viên theo học trường Thương mại, trường Y khoa, trường Luật ... hay làm nghiên cứu. Điều này chứng tỏ Stanford nhấn mạnh vào các chương trình sau Cử nhân như Cao học, Tiến sĩ hay sau Tiến sĩ (Post-Doctorate.)
  2. Liberal Arts Colleges
    Ngược lại với National Universities, những trường Liberal Arts College, (Đại học Nhân văn Nghệ thuật) chủ yếu tập trung sự chú ý vào việc giảng dạy sinh viên bậc Cử nhân. Sinh viên theo học các trường này thường được cung cấp những kiến thức rộng rãi, ít đi sâu vào chuyên ngành, nhằm chuẩn bị sinh viên theo các chương trình Tiến sĩ (Luật, Y ... ) về sau.

    Mỗi năm các trường đại học Nhân văn Nghệ thuật trao tặng ít nhất là 50% văn bằng Cử nhân và một số lượng nhỏ hơn là Cao học, Tiến sĩ. Đây là những đại học nhỏ, có tỷ lệ giáo sư trên sinh viên cao và thường được giảng dạy bởi chính các giáo sư chứ, không phải những phụ tá như các đại học nghiên cứu. Thí dụ miền Nam California có các trường như Occidental, Scripps, Claremont, Harvey Muds ... là những trường đại học Nhân văn Nghệ thuật nổi tiếng.

Một số nhà giáo dục cho rằng nếu sinh viên bậc Cử nhân bắt đầu việc học tại trường Nhân văn Nghệ thuật sẽ dễ thành công hơn, việc học hành thong thả và ít áp lực hơn. Tuy nhiên một số khác lại cho rằng theo học tại các trường nghiên cứu sẽ có nhiều cơ hội nghiên cứu và nhiều cách học để đi tới thành công hơn. Tóm lại nếu chưa muốn làm việc quá nhiều thì theo trường Nhân văn Nghệ thuật còn nếu sẵn sàng chấp nhận thử thách, cạnh tranh thì nên chọn National Universities để thoả sức vẫy vùng. Có trường đại học nghiên cứu cho cả sinh viên bậc Cử nhân vào đại học Y của họ để lấy tín chỉ.

Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách đánh giá các trường đại học. Các nhà chuyên môn đã dựa vào 7 tiêu chuẩn và những tiêu chuẩn đó được tính điểm dựa vào thang điểm 100.

1. Ý kiến của các nhà giáo dục (25 điểm):

Toà soạn báo U.S News & World Report lấy ý kiến của các nhà chuyên môn cao cấp như hiệu trưởng, hiệu phó hay khoa trưởng của các trường đại học. Những vị này không được quyền đánh giá trường của mình mà chỉ đánh giá các trường bạn dựa vào một thang điểm định sẵn. Những ý kiến chuyên môn này được tổng hợp, đánh giá bởi các nhà giáo dục cao cấp và có nhiều kinh nghiệm.

2. Thành đạt của sinh viên (20 điểm)

Số lượng sinh viên quay trở lại trường sau năm thứ nhất (chứ không bỏ đi qua trường khác) và tốt nghiệp trong thời gian 6 năm cho học trình ban Cử nhân được dùng để tính điểm. Điều này chứng tỏ trường đã cung cấp những lớp học và những chương trình phục vụ sinh viên giúp họ thành công nên sinh viên đã quay lại học tiếp và hoàn tất học trình Cử nhân trong thời gian thích hợp. Thành đạt của sinh viên được dựa vào 2 yếu tố:

• Số lượng sinh viên quay lại học mùa thu năm thứ hai

• Tốt nghiệp trong thời gian 6 năm hay ít hơn

3. Chất lượng giảng dạy (20 điểm)

• Số lượng sinh viên trong một lớp học, dưới 20 là tốt nhất.

• Tiền lương giáo sư, tỷ lệ giáo sư làm việc full-time và văn bằng cũng như giải thưởng (Giải Nobel, Pulitzer...) giáo sư được trao tặng.

Mục (3) này cho thấy các trường công lập chắc chắn sẽ có điểm thấp hơn vì các lớp ở trường đại học công lập thường đông sinh viên hơn và tiền lương cho giáo sư dĩ nhiên là thấp hơn khi so sánh với các trường tư. Theo mức lương trung bình hiện nay một Giáo sư dạy tại UC Berkeley có mức lương chỉ bằng 2/3 một Giáo sư tại Harvard.

4. Chất lượng tân sinh viên mới nhận vào (15 điểm)

Chất lượng tân sinh viên mới nhận vào căn cứ trên SAT/GPA, “top 10%” của lớp ở trung học, tỷ lệ nhận vào trên tổng số học sinh nộp đơn, tỷ lệ học sinh được nhận vào trên tỷ số học sinh ghi danh theo học (thường là 2/3 đối với các trường lớn.) Căn cứ vào mục (4) này những đại học hàng đầu của UC như UCLA và UC Berkeley nhận những sinh viên có thành tích không thua kém gì các trường tư hàng đầu.

5. Quỹ Hiến Tặng của trường (10 điểm)

US News & World Report chia quỹ hiến tặng trên mỗi đầu sinh viên để tính xem mỗi sinh viên có được một số tiền đầu tư là bao nhiêu. Havard là trường giầu nhất (34.5 tỷ 2007) nhưng khi tính tiền đầu tư cho mỗi đầu sinh viên thì thấp hơn Princeton (vì đông sinh viên hơn.) Đó là lý do tại sao Harvard (99 điểm) đứng hạng nhì thua Princeton (100điểm) chỉ có 1 điểm mong manh.

6. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp (5 điểm)

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp càng sớm và con số này càng cao sẽ được tính nhiều điểm hơn. Cách tính này có lợi cho các trường lớn (công cũng như tư) vì ngay khi nhận vào họ đã chọn lọc được những sinh viên ưu tú nhất của các lớp trung học.

7. Số tiền thu được do cựu sinh viên trao tặng (5 điểm)

Phần trăm trung bình các cựu sinh viên cho tiền trường đại học cũ đo lường sự thỏa mãn của học sinh đối với trường học cũ của mình. Chính vì vậy, yếu tố này được đưa vào trong tính toán nhưng có lẽ không công bằng cho các trường công vì cựu sinh viên các trường công thường có khả năng tài chánh khiêm tốn hơn. TT George Bush không thích trường cũ là Yale, khi bạn cũ gọi tới Thống đốc Texas Bush xin ủng hộ tiền cho Yale ông đã từ chối

Bảng xếp hạng sẽ giúp ích hơn nếu chúng ta biết kết hợp thêm nhiều yếu tố như tới tận trường để quan sát, hỏi thăm những sinh viên đang theo học (kể cả cha mẹ của những sinh viên này) và quan trọng hơn là học sinh biết khả năng và hướng đi của mình. Một trường đại học có thể thích hợp với sinh viên này nhưng lại không thích hợp với sinh viên khác. Ở nước Mỹ có nhiều trường rất tốt mà có thể chúng ta chưa nghe tới tiếng tăm. Cuối cùng, vấn đề cung cấp tài chánh (học phí, học bổng, trợ cấp tài chánh, mượn tiền …) cho việc học vấn cũng nên được coi là một vấn đề quan trọng cần quan tâm đúng mức trong việc lựa chọn đại học.

No comments: