
Lịch sử Ngày Lễ Cha tại Hoa kỳ
Ngày lễ vinh danh những người Cha được bắt đầu không chính thức vào năm 1910. Giống như người khởi xướng Ngày Lễ Mẹ, người khởi xướng tư tưởng về Ngày Lễ Cha lại cũng là một người phụ nữ: bà John Bruce Dodd (Sonara Smart Dodd) thuộc thành phố Spokane, tiểu bang Washington.
Cha của Sonara là một cựu chiến binh trong cuộc nội chiến Bắc Nam của Hoa kỳ tên là William Smart. Không may, Ellen Smart, người vợ trẻ hơn ông 9 tuổi, qua đời khi sinh đứa con thứ sáu năm 1898.
Người cha cô độc cúi đầu lặng lẽ trong tang lễ vợ mình. Cùng với ông những đứa con côi cút đang sụt sùi nước mắt, đứa con gái lớn nhất 16 tuổi (chính là người sáng lập Ngày Lễ Cha) ôm chặt 5 đứa em trai, đứa nhỏ nhất mới sinh chưa hiểu được những gì xảy ra quanh mình … Hình ảnh đó làm rung động trái tim nhiều người dân làng tham dự tang lễ. Đứa con trai kế út bỗng nhiên cất tiếng gọi Mẹ rồi nhìn quanh quẩn, nó chưa hiểu trong tiếng gọi hồn nhiên đó là cái đau xé lòng của người Cha. Ông quay lại nhìn các con, tự hứa sẽ dành hết tình yêu cho chúng và ông quyết định ở vậy, “gà trống nuôi con.”
Trời bất chợt giông bão, đám tang diễn ra nhanh hơn thường lệ, ông lầm lũi dẫn các con về ngôi nhà ở nông trại. Với biết bao khó khăn của một nông dân, ông kiên nhẫn chăm sóc đứa con sơ sinh mồ côi mẹ cùng với 5 anh chị khác bằng chính đôi tay mình.
Ông âm thầm nuôi các con khôn lớn, lấy sự hy sinh làm gương sáng cho các con. Khi đứa út còn bé, ông phải thường xuyên thức khuya dậy sớm lo sữa cho con và làm việc gấp đôi, vừa như người cha kiếm tiền nuôi sống, hướng dẫn tinh thần và giáo dục các con vừa như người mẹ hiền mang nhịp đập yêu thương trìu mến đến cho mọi thành viên trong gia đình. Trong suốt hơn hai mươi năm còn tại thế kể từ ngày người bạn đời mất đi, ông đã là chỗ nương tựa cho đàn con mồ côi của mình lớn lên trở thành những người tử tế.
May mắn thay, sự quên mình của ông được con cái ghi nhận và là nguồn cảm hứng cho việc thành lập Ngày Lễ Cha. Khi Ngày Lễ Mẹ được tổ chức long trọng tại nhà thờ St. Andrew ở Grafton 1909, West Virginia, con gái lớn nhất của ông – Sonora Smart Dodd – liền nghĩ ngay đến một Ngày Lễ Cha. Bà quyết định vận động cho ý tưởng được thành hình và kêu gọi những hội đoàn thiện nguyện, nhà thờ địa phương tiếp tay cho nỗ lực của mình.
Sonora muốn tổ chức Ngày Lễ Cha lần đầu tiên vào sinh nhật của Cha mình 5/6/1910 – không những để tưởng nhớ, cảm tạ và vinh danh Cha mình mà còn cho tất cả những người Cha khác trên hoàn vũ. Tuy nhiên do không chuẩn bị kịp thời gian nên Ngày Lễ Cha đã được dời lại hai tuần sau vào ngày 19/6/1910.
Chính vì thế cho tới nay, Ngày Lễ Cha được tổ chức vào Chủ nhật thứ ba của tháng sáu. Sau đó Ngày Lễ Cha được tổ chức khắp nơi, ông William Smart được hân hạnh nhìn thấy Ngày Lễ Cha lan rộng. Ông mất năm 1919 trong sự tri ân của các con.
Khác với ngày nay, vào thời kỳ ấy hoa hồng là một loài hoa truyền thống cho Ngày Lễ Cha – trong khi hoa cẩm chướng được dùng cho Ngày Lễ Mẹ. Sonora Smart Dodd lúc đó dùng hoa hồng đỏ để vinh danh những người Cha còn sống và hoa hồng trắng để tưởng nhớ những người Cha đã qua đời.
Thị trưởng thành phố Spokane và Thống đốc tiểu bang Washington lúc đó ủng hộ Ngày Lễ Cha nhưng con đường đi tới việc chính thức được công nhận trên phạm vi toàn quốc Hoa kỳ còn phải trải qua một giai đoạn khá dài.
Năm 1924, Tổng thống Calvin Coolidge chính thức ủng hộ cho một Ủy ban nghiên cứu thành lập Ngày Lễ Cha. Năm 1926 Ủy ban Quốc gia Ngày Lễ Cha hội họp lần đầu tiên tại thành phố New York. Năm 1956 Quốc hội công nhận Ngày Lễ Cha để dọn đường cho việc chính thức công nhận một Ngày Lễ Cha trên toàn quốc Hoa kỳ.
Số phận Ngày Lễ Cha tuy vậy cũng vẫn còn lận đận. Mãi 10 năm sau khi Quốc hội công nhận và 56 năm kể từ khi tổ chức Ngày Lễ Cha lần đầu tiên tại Washington, Tổng thống Lydon B. Johnson mới công bố Ngày Lễ Cha là ngày lễ chung trên toàn quốc Hoa kỳ được tổ chức vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng sáu. Nếu lấy năm này làm mốc cho tính toán thì Ngày Lễ Cha ra đời sau Ngày Lễ Mẹ 52 năm. Năm 1972 Tổng thống Richard Nixon chính thức đặt bút ký sắc lệnh ban bố Ngày Lễ Cha trên toàn cõi Hoa kỳ.
Bà John Bruce Dodd (Sonara Smart Dodd) được công nhận là “Người Mẹ của Ngày Lễ Cha.”
Vai trò của người Cha trong gia đình
Khi người Cha vắng mặt trong gia đình thì con cái phải lãnh nhận những hậu quả tiêu cực: bỏ học, có thai, trốn học … Năm 2002 Trung tâm Phân tích Chính sách Quốc gia Hoa kỳ (The U.S. National Center for Policy Analysis) kết luận rằng những trẻ em thiếu vắng Cha có tỷ lệ dùng ma túy và liên quan đến tội ác cao hơn 3 lần những em có mặt người Cha thường xuyên trong gia đình. Lẽ ra xã hội phải tìm cách giúp đỡ thêm những em không có sự hiện diện thường xuyên của người Cha bên con cái. Sự hiện diện này chính là “căn cước” – một điều không thể thiếu – của những người Cha.
Một công trình nghiên cứu khác của Paul Amato tại Úc cho rằng những em thiếu sự hiện diện của người Cha, dù thời gian dài hay ngắn, kém hẳn sự tự tin trong cuộc sống.
Cuộc khảo cứu của đại học Harvard năm 1993 cũng cho thấy lượng thời gian mà người Cha dành cho con tỷ lệ thuận với trí thông minh, sự thành công và khả năng giao tiếp xã hội của con cái. Thật đúng "Con không Cha như nhà không có nóc."
Có một truyện xưa kể lại rằng người Cha được tạo dựng to cao hơn người Mẹ là vì con cái có thể nhìn lên để đi theo sự dẫn đường của người Cha. Không có sự hiện diện của người Cha, con cái mất phương hướng.
Theo Cooksey & Fondell trong tạp chí Hôn nhân Gia đình, các nhà Giáo dục hiện nay đang khuyến khích các người Cha tham gia tích cực hơn vào việc học hành của con cái vì trong khá nhiều trường hợp sự tham gia của người Cha tỏ ra có kết quả cao.
Những bà Mẹ nào biết cách giáo dục thường tạo dựng cho chồng mình có được sự kính phục trong mắt con cái. Đó là một trong những bước mở đầu để kích thích người Cha can dự vào việc hướng dẫn, bảo ban đàn con. Nhiều bà Mẹ ngày xưa khi con cái xin phép làm điều gì bà thường nhắc khéo, "Mẹ thì ưng thuận rồi nhưng nên hỏi thêm ý kiến Ba con."
Những người Cha Việt nam
Dưới mắt của người dân bản xứ, những người Cha Việt nam đặt rất nhiều trọng tâm vào công cuộc giáo dục. Một bài khảo luận của Khoa Tâm lý đại học Brigham Young cho thấy những người cha Việt nam hy sinh tất cả để tạo cho con cái có một nền học vấn tốt nhất. Một em Việt nam đã tâm sự, “Những người Cha Việt nam trả tất cả tiền để các con tập trung cho học hành. Con cái ở chung với gia đình lâu hơn những trẻ em bản xứ, thường là chỉ ra riêng khi đã lập gia đình.”
Những trẻ em gốc Việt mong gì? Các em muốn có những người Cha cởi mở, biểu lộ nhiều tình cảm như ôm hôn mỗi lần gặp gỡ và cuối cùng biết cách nói chuyện, thảo luận những vấn đề thường thức hằng ngày với con cái.
Ngày Lễ Cha là ngày cho các con cái hướng về Cha mình và quan trọng hơn đó là một ngày lễ chung của gia đình. Một tấm thiệp với đôi dòng tình cảm nhắc lại những kỷ niệm xưa có thể làm cho người Cha ấm lòng. Quan trọng hơn là thăm viếng Cha, đi uống café, ăn sáng hoặc đi bộ tập thể dục buổi sáng với Cha là một niềm vui vô tận. Đó là món quà nhỏ dễ thực hiện mà các người con có thể "thưởng" cho người Cha yêu quý của mình.
No comments:
Post a Comment