Tuesday, 1 January 2008

48 Quỹ Hiến Tặng




Hình trên của danh hoạ Picasso



Khái niệm

Quỹ Hiến Tặng (endowment) của một đại học hay viện nghiên cứu là quỹ có được do sự chuyển nhượng tiền hay tài sản (nhà cửa, đất đai, cổ phiếu, công khố phiếu… ) của nhiều người – phần lớn do cựu sinh viên trường – với hy vọng những món tiền hay tài sản đó được đầu tư sinh lời và chỉ có tiền lời mới được mang ra sử dụng mà thôi.


Quỹ Hiến Tặng luôn phục vụ hai mục đích: giữ được đồng tiền vốn (có tính tới lạm phát) và dùng tiền lời để khuyếch trương mục tiêu giáo dục. Các nhà chuyên môn lo tài chánh của các đại học phải đầu tư vào nhà đất, thị trường chứng khoán và mọi lãnh vực – từ "cây kim đến phi thuyền" – để sao cho có được tiền lời nhiều nhất.



Mục đích


Một phần tiền lời sau đó được dùng vào việc phát triển giáo dục như trao tặng học bổng cho tân sinh viên, hỗ trợ việc giảng dạy và nghiên cứu của các giáo sư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị tối tân hơn cho phòng thí nghiệm … Với những đại học giầu có họ có nhiều cơ hội để tăng phẩm chất giáo dục như làm tăng tỷ số nhân viên nhà trường so với sinh viên ... Nhờ vậy sinh viên được phục vụ tốt hơn trong học tập cũng như nhu cầu đời sống thường ngày.

Với học phí ngày càng đắt đỏ, chính những học bổng trên thực tế đã giúp trường “giữ chân” được những nhân tài họ muốn. Thông thường các sinh viên giỏi quyết định đi học một trường nào đó phần lớn dựa trên giá trị học bổng được đề nghị. Đa số các trường đại học không những dành quỹ hiến tặng tài trợ học phí cho những tân sinh viên giỏi mà còn hy vọng chính những sinh viên này sau đó cũng đóng góp vào quỹ nhiều hơn sau khi đã ra trường trong tương lai. Do vậy trao tặng học bổng cho sinh viên giỏi lại cũng là một cách đầu tư kiếm lời.

Các đại học Mỹ, công cũng như tư, đều trông cậy vào Quỹ Hiến Tặng của trường. Đối với các trường đại học công lập, Quỹ Hiến Tặng càng lớn thì sự lệ thuộc vào trợ cấp tài chánh của tiểu bang càng ít đi. Không có nó các trường đại học không thể nâng cao phẩm chất giảng dạy, nghiên cứu và uy tín nói chung.

Ngoài ra, quỹ hiến tặng còn được dùng vào việc khuyến khích những sinh viên sau khi tốt nghiệp bậc Cử nhân tiếp tục học hành và nghiên cứu về khoa học hay nhân văn để lấy văn bằng Tiến sĩ. Chính tầng lớp khoa học gia này đã hướng dẫn nước Mỹ đi lên tới những thành công như hiện nay. Một số đại học cho phép nhà tài trợ gặp sinh viên mà họ giúp đỡ.


Quỹ Hiến tặng của các viện đại học


Tại những trường đại học giầu có nhất nước Mỹ tổng quỹ hiến tặng của họ lên tới hàng tỷ Mỹ kim. Tuy vậy, mỗi đại học có nhiều nguồn hiến tặng nhắm vào những mục tiêu khác nhau chẳng hạn như có người sau khi hiến tặng cho nhà trường lại chỉ muốn tiền của mình đầu tư nghiên cứu bệnh ung thư và người khác lại muốn tiền của mình dành cho việc tìm kiếm những giáo sư giỏi nhất nhằm tạo vinh quang và tiếng tăm cho trường.

Giống như nhiều đại học khác tổng quỹ hiến tặng Harvard bao gồm 11,000 quỹ nhỏ riêng biệt cho từng lãnh vực, một số đi vào thư viện, một số cho nghiên cứu của trường Y khoa… Số tiền sinh lời từ quỹ hiến tặng đã đóng góp một phần ba quỹ điều hành của trường.


Trong năm 2006, quỹ hiến tặng của trường đại học Yale thu về một lợi tức khoảng 23% hay 3.4 tỷ Mỹ kim. Suốt 3 năm liên tiếp Yale thụ hưởng một kết quả đáng nể và chỉ trong 10 năm, quỹ hiến tặng của trường tăng từ 5 tỷ lên tới 18 tỷ Mỹ kim.

Với Stanford, quỹ hiến tặng do những cựu sinh viên thành danh trong lãnh vực điện toán được ưu tiên đầu tư kiếm lời, tăng ngân sách cho những chương trình hỗ trợ bậc Cử nhân như đi học tại Oxford bên Anh … hoặc tìm kiếm những ứng viên có tiềm năng đoạt giải Nobel rồi mời về nghiên cứu và giảng dạy với những đề nghị mà ít nơi nào có thể hấp dẫn hơn. Trường dùng quỹ hiến tặng to lớn của mình để chào mời những giáo sư và sinh viên tài giỏi nhất. Kết quả là Stanford có 2 giáo sư đoạt giải Nobel trong năm 2006 vừa qua.

Riêng với Princeton, trường đầu tư rất mạnh mẽ cho sinh viên bậc Cử nhân, nếu tính theo số tiền đầu tư trên mỗi đầu sinh viên thì Princeton dẫn đầu bảng, chính vì lý do này Princeton hiện được xếp hạng nhất trong năm 2007 theo U.S. News & World Report. Trong năm học 2007 - 2008 sắp tới, Priceton sẽ dùng tiền lời dồi dào từ quỹ hiến tặng của mình để tăng thêm học bổng cho sinh viên vốn đã nổi tiếng là rộng rãi của trường.

Xin lưu ý rằng quỹ hiến tặng không phải chỉ có tại các đại học mà một số viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Y khoa Howard Hughes cũng có một số quỹ khổng lồ (16 tỷ) chỉ thua Harvard và Yale. Viện đã có những kiến trúc kỹ thuật liên ngành (Sinh học, Hoá học, Vật lý…) lên tới 500 triệu Mỹ kim tại Janelia Farm, Colorado. Ngoài ra Viện cũng đã mời được khoảng 300 nhà khoa học xuất sắc của Mỹ đến làm việc. Các Giáo sư tại các đại học nổi tiếng đều bay tới nghiên cứu, hội thảo thêm nhờ sự bảo trợ từ quỹ hiến tặng của Viện.

Sau đây là quỹ hiến tặng của các trường hàng đầu:

1. Harvard University MA 29 tỷ

2. Yale University CT 18 tỷ

3. Stanford University CA 14 tỷ

4. University of Texas System TX 13 tỷ

5. Princeton University NJ 13 tỷ

6. MIT 8.4 tỷ

7. Columbia University NY 5,9 tỷ

8. University of California CA 5,7 tỷ

Làm một bài toán nhỏ chúng ta dễ dàng nhận thấy quỹ hiến tặng trường Harvard lớn gấp 5 lần quỹ hiến tặng của cả chục trường công lập của hệ thống UC cộng lại. Trong hệ thống công lập, quỹ hiến tặng các trường đại học California hiện nay tuy đã rất giầu có khi so sánh với những trường công lập khác trên toàn quốc Hoa kỳ lại thua xa Texas và đó là điều đáng lo ngại vì nhân tài có thể đội mũ ra đi. Khi quỹ hiến tặng không đủ mạnh, các trường công của chúng ta không còn cách gì khác hơn là phải tự trang trải bằng cách tăng học phí thu từ sinh viên. Hiện nay các trường trong hệ thống UC đang cố gắng xây dựng một quỹ hiến tặng hiệu quả nhưng có lẽ con đường trước mặt còn khá dài và còn nhiều chông gai.


Những hiểu biết về quỹ hiến tặng giúp quý phụ huynh và các em học sinh trong việc lựa chọn trường đại học và các học bổng. Quỹ càng giầu có hy vọng được học bổng hay trợ cấp cho các chương trình nghiên cứu càng cao. Và cũng chính do quỹ hiến tặng tại các trường đại học này, nhờ sự dồi dào về nhân lực và tài chánh, những ý tưởng táo bạo có nhiều cơ hội thành công hơn tạo uy tín cho trường đại học cũng như cá nhân sinh viên và giáo sư.

No comments: