
Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho "cách vật trí tri"
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông
Thế nào là lớp AP?
Advanced Placement hay còn gọi tắt là AP là những lớp lấy ở trường trung học, sau đó qua một cuộc thi sát hạch vào tháng 5, nếu đậu sẽ được tính điểm và học sinh không phải lấy những lớp đó trên đại học nữa. Do vậy rút ngắn được thời gian ra trường, tiết kiệm được tiền bạc khi vào đại học. Đó là theo lý thuyết, thực tế có một vài thay đổi.
Lịch sử
Vào tháng 5 năm 1951, một nhóm các nhà giáo dục của 3 trường trung học nội trú nổi tiếng nhất nước Mỹ gồm Phillips Exeter Academy, Phillips Andover Academy và Lawrenceville cùng họp với 3 trường đại học lớn ở miền Đông là Harvard, Yale, Princeton để thảo luận phương cách làm sao cho 2 năm cuối tại trung học và 2 năm đầu của đại học phát huy hiệu quả cao nhất. Kết quả là những học sinh giỏi tại các trường nội trú trên được khuyến khích học các lớp có trình độ cao đẳng tại ngay các trường nội trú.
Thành quả này sau đó được nhân rộng và vào năm 1955, College Board chính thức cho ra đời chương trình AP đầu tiên. Tuy mới ra đời được 51 năm, AP có mặt tại hầu hết các trường trung học trên toàn quốc và số học sinh trong các trường công lập đậu các lớp AP là khoảng 14.1% (2005) so sánh với 13.2% (2004.)
Hiện nay có tất cả 37 môn thi cho 22 môn học. Có tình trạng như thế vì đôi khi một môn học được chia làm 2 môn thi có trình độ cao thấp khác nhau như Calculus AB (tương đương Calculus 1) và cao hơn là Calculus BC (Calculus 2) hay đôi khi chia ra làm 2 môn thi riêng biệt như Văn chương (English Literature) và Luận văn (English Composition) cho môn học tiếng Anh.
Điểm chấm cho các kỳ thi AP được kể từ 1 đến 5, với điểm 5 là xuất sắc nhất và 3 là đủ điểm đậu. Học sinh bị điểm 1 hoặc 2 coi như không đạt đủ tiêu chuẩn (rớt.)
Trên thực tế, có trường chấp nhận tất cả các AP nhưng một số trường hoặc chỉ chấp nhận một số AP hoặc chỉ chấp nhận AP đạt điểm 5 (không đồng ý AP điểm 3, 4.) Do vậy học sinh cần hỏi kỹ trưòng đại học minh muốn đi để lấy những lớp AP thích hợp. Cũng nên lưu ý rằng hầu hết các trường Y khoa không nhận AP Physics, AP Chemistry và AP Biology.
Các trường trung học có các lớp AP thường đạt tiêu chuẩn dạy học cao hơn không những trong các lớp AP mà còn trong toàn bộ các lớp khác. Do vậy khi thực hiện xếp hạng các trường trung học các nhà giáo dục quan tâm đầu tiên tới “yếu tố AP” của trường đó, chẳng hạn như trường có bao nhiêu thầy cô giáo dạy AP, tỷ lệ học sinh học AP...
Dĩ nhiên là một học sinh lấy nhiều lớp AP đạt được nhiều lợi thế trong việc chuẩn bị học tập trên đại học, phát triển thói quen học tập cần thiết khi đương đầu với những lớp khó. Những học sinh làm tốt bài thi AP thường tốt nghiệp đại học trong 5 năm hay ít hơn và điểm của các kỳ thi này có khả năng dự đoán sự thành công của học sinh trên đại học.
Ưu điểm của những lớp AP
Sau đây là một số lợi điểm đối với các học sinh AP đã được nghiên cứu trong nhiều năm liên tiếp bởi các nhà giáo dục hàng đầu.
1. Học sinh AP khi lấy lớp cao cấp thường đạt được điểm cao hơn
Một học sinh AP không phải lấy lớp đại cương (Introduction) – vì đã lấy AP thay thế – thường thành công cao hơn một học sinh lấy lớp này tại trường cao đẳng cộng đồng khi học những lớp cao hơn. Điều này được giải nghĩa là các em lấy AP thường đã là những học sinh giỏi, sẵn sàng đương đầu với những thử thách, có định hướng cho tương lai hơn là các em không lấy AP.
Rõ ràng rằng học sinh AP thường học thành công hơn các em không lấy AP. Những công trình nghiên cứu tại nhiều trường trong nhiều năm xác minh nhận định trên là đúng, đặc biệt trong những lớp Khoa học và Toán. Kết quả này sẽ chính xác hơn nếu học sinh đạt được điểm 4 hay 5 trong kỳ thi AP. Hơn thế nữa các học sinh lấy lớp AP ở trung học cũng thường lấy nhiều đơn vị tín chỉ hơn trong một mùa (semester hay quarter) khi lên đại học, điều này đồng nghĩa học sinh AP sẽ ra trường sớm hơn và phí tổn cho học đại học sẽ ít hơn.
2. Học sinh AP lấy lớp khó nhiều hơn
Một hiện tượng thường xảy ra tại các trường cao đẳng cộng đồng là một số sinh viên tránh né những lớp khó cũng như những lớp cao cấp. Các em thường tìm kiếm những lớp “nhũi” như Animal Science dạy về cách nuôi và cho súc vật ăn uống. Những lớp này thường không có giá trị khi transfer (chuyển trường từ cao đẳng cộng đồng lên đại học) – nghĩa là không được tính khi chuyển lên đại học. Các trường cao đẳng cộng đồng cấu trúc những lớp đó vào chương trình nhằm khuyến khích sinh viên tìm những cơ hội thành công theo nhiều cách. Tuy nhiên các em lại chỉ nhằm những lớp dễ dãi đó, đi vòng vòng không định hướng, không biết môn nào cần lấy môn nào không – vì không biết mình định đi chuyên ngành gì.
Những học sinh đã lấy lớp AP thường không bị vấn đề nêu trên, họ không né tránh các lớp Toán, Khoa học và thường có khuynh hướng chọn ngành học theo những lớp AP mà các em đã lấy hoặc ít nhất cũng học thêm một lớp cao cấp hơn mà các em đã lấy khi học AP.
3. Học sinh AP ra trường sớm hơn
Một học sinh lấy lớp AP thường chắc chắn tốt nghiệp đại học và tốt nghiệp sớm hơn một học sinh không lấy những lớp AP, cho dù học sinh AP ở vào hoàn cảnh có nhiều thách đố hơn, chẳng hạn thuộc gia đình lợi tức thấp hay thuộc khu vực trường học có tỷ lệ bỏ học cao.
Khi phân tích dữ kiện tại một trường trung học, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng những học sinh làm bài thi tốt trong các kỳ thi AP với điểm 3 trở lên đều học xong đại học. Và vì vậy, chỉ dấu của một học sinh hoàn tất việc học hay không nằm trong việc học sinh đó lấy những lớp AP, đặc biệt là những lớp Toán và Khoa học (Sinh học, Vật lý, Hoá học...)
4. Điểm AP của Toán và Khoa học được dùng để tiên đoán thành công trên đại học
Một học sinh có khả năng thành công ở lớp Toán và Khoa học hay không được dựa vào 2 tiêu chuẩn: một là GPA, hai là điểm AP của môn đó. Nếu một học sinh có điểm A cho môn Calculus và khi thi AP được điểm 5 thì có thể tiên đoán học sinh này sẽ được điểm A khi học những lớp Calculus cao cấp hơn (Calculus 2, 3) trên đại học. Chính vì lý do đó, các trường đại học quan tâm khá nhiều vào số lượng các lớp AP, loại lớp AP mà các học sinh lấy trong những năm trung học để tiên đoán học sinh đó sẽ học hành ra sao tại trường của họ.
Các lớp AP là cơ hội tuyệt vời cho học sinh làm quen với những thách thức khi lên đại học. Tuy nhiên, giống như mọi trường hợp, nó cũng cần được cân nhắc dựa vào khả năng thực sự và nỗ lực làm việc của mỗi cá nhân. Phụ huynh không nên chạy đua với các học sinh khác để ép uổng con cái lấy quá nhiều lớp AP. Trong việc học hành ở trung học, bao giờ cũng nên biết rõ khả năng con em và chọn một chương trình phù hợp.
No comments:
Post a Comment