Tuesday, 1 January 2008

30 Viện Kỹ Thuật California Caltech




Linus Pauling, hai giải Nobel, niềm hãnh diện của Caltech

Trường nhỏ nhưng lẫy lừng tiếng tăm

Caltech (California Institute of Technology) là một đại học tư tương đối nhỏ ở Pasadena, gần thành phố Los Angeles, miền nam California.

Trường toạ lạc trên một diện tích khiêm tốn khoảng một nửa cây số vuông với 900 sinh viên bậc Cử nhân (gần 1/3 là Á châu!) và một số lượng lớn hơn là 1300 sinh viên bậc Cao học và Tiến sĩ. Tuy vậy trường có tới 900 nhân viên quản trị và giảng dạy, trong đó có 378 giáo sư và 545 các nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ (post doctoral researchers.) Bước vào trong sân trường, những ai có bệnh "sợ bằng cấp" xin hãy coi chừng kẻo ... chóng mặt, cứ 3 người chúng ta gặp tại đây thì 1 người có văn bằng Tiến sĩ!

Tuy nhỏ bé nhưng danh tiếng của trường Caltech thật lẫy lừng. Theo U.S News & World Report 2007 thì Caltech đứng hạng 4 – sau Princeton, Harvard, Yale và ngang hàng với Stanford, MIT (3 trường đồng hạng 4.) Theo tạp chí Newsweek 2006 Caltech đứng hạng 4 sau Harvard, Stanford, Yale trong danh sách 100 trường tốt nhất thế giới – hơn cả hạng của MIT, Berkeley…

Đến nay, trường đã có 31 nhà nghiên cứu được giải thưởng Nobel Khoa học. Đặc biệt, có Linus Pauling, một người duy nhất trong lịch sử đã được hai giải Nobel (không chia với ai) về Hoá học và Hoà bình.

Linus Pauling, niềm hãnh diện của Caltech

Khi học về Hoá đại cương hẳn chúng ta không quên sự sắp xếp các âm điện tử trên những quỹ đạo theo định luật Pauling dùng để giải thích và tính toán các lực nối liên kết Hoá học (chemical bonds) giữa các nguyên tử trong cùng một phân tử.

Chính công cuộc nghiên cứu bản chất của các lực nối và ứng dụng cấu trúc phức tạp của vật chất đã khiến ông được giải thưởng Nobel Hoá học năm 1954.

Năm 1962 ông được thêm giải thưởng Nobel về hoà bình vì có công vận động phong trào cấm thử nghiệm vũ khí nguyên tử.

Tuy đã có 4 nhà khoa học được 2 giải thưởng Nobel nhưng 3 người kia (Marie Curie, John Bardeen, Frederick Sanger) đều có lần phải chia giải với một hoặc hai người khác, chỉ một mình ông lãnh trọn hai giải thưởng cao quý này mà thôi.

Những ai tự hào có nhiều bằng cấp gặp Linus Pauling cũng phải cúi đầu chào thua vì ông có tới 48 văn bằng Tiến sĩ – phần lớn là Tiến sĩ danh dự do các trường đại học cấp cho những nhân vật đặc biệt. Tuy nhiên, buồn cười thay, mãi tới 45 năm sau, trường trung học cũ nơi ông ra trường mới chịu cấp bằng Trung học cho ông sau khi ông đã lãnh 2 giải thưởng Nobel. Lý do là ông còn thiếu một lớp Lịch sử Mỹ. Có lẽ ông là người đầu tiên được giải Nobel khi chưa … có bằng Trung học!(?)

Tiện đây cũng xin nhắc nhở các em học sinh, nhất là các em mới từ Việt nam qua nhập cư, hãy tiếp xúc với cố vấn nhà trường (counselor) để biết rõ mình còn thiếu môn nào trước năm học cuối cùng (lớp 12) để nắm chắc trong tay bằng Trung học.

Lịch sử thành lập Caltech

Amos Throop sáng lập trường đại học Throop vào tháng 9/1891 – cùng năm với trường đại học Stanford – và trường này chính là tiền thân của Caltech sau này.

Năm 1907, George E. Hale đã quyết định hướng đi mới của trường thành một đại học về Khoa học Kỹ thuật. Xin đừng quên rằng vào thời điểm này nền khoa học của Hoa kỳ vẫn còn chưa vào được giai đoạn dẫn đầu thế giới. Dưới sự lãnh đạo tài tình của George E. Hale, trường đã biến đổi hoàn toàn mới và năm 1921 được mang tên mới là California Institute of Technology sau khi đã đổi tên 2 lần.

Từ năm 1919-1921, Hale đã vận động được nhiều mạnh thường quân đóng góp tiền của và đất đai để trường có thể mua sắm những trang thiết bị tối tân cho các phòng thí nghiệm (lab) và mời được một loạt các nhà khoa học tài ba nhất nước Mỹ lúc bấy giờ về làm việc và nghiên cứu như nhà Hoá học Authur Aroms Noyes và nhà Vật lý Robert Andrews Millikan (giải Nobel Vật lý 1923.)

Họ đã cùng nhau làm thành chất xám cho trường và trong thế chiến thứ nhất đã trở thành những nhà khoa học đầu não ở thủ đô Washington để tổ chức, vận động các nhà khoa học khác phục vụ công tác quốc phòng. Nói tóm lại mục tiêu của họ là đưa nền khoa học Hoa kỳ vượt qua Châu Âu dẫn đầu thế giới và Caltech sẽ là trường đại học tiên phong trong công cuộc nghiên cứu và đào tạo nhân tài.

Thế là họ đi khắp nước Mỹ và Châu Âu để mời những nhân vật kiệt xuất nhất về làm việc. Người ta thấy trong đó có thiên tài Vật lý học Albert Einstein cũng như nhà Vật lý học nguyên tử Niels Bohr là những Giáo sư thỉnh giảng tại Caltech. Chỉ trong một thời gian, trường trở lên sáng chói trên bầu trời đại học Mỹ và thế giới với những giải thưởng Nobel tới tấp bay về.

Vào năm 1928, khoa Sinh học được thiết lập dưới sự lãnh đạo của Thomas H. Morgan, một nhà di truyền học lỗi lạc nhất thời đó của Mỹ mà chúng ta từng biết khi học Vạn vật (Sinh hoc) lớp 12 ngày xưa. Morgan đã khám phá ra vai trò nhiễm sắc thể trong các yếu tố di truyền và được giải thưởng Nobel Y học năm 1933. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về di truyền được giải thưởng Nobel.

Những chi tiết đáng lưu ý

Caltech được bầu là một trong 10 trường mà sinh viên luôn luôn chăm chỉ học hành. Ngoài ra tỷ lệ giữa nam và nữ là 2.4/1, nghĩa là cứ 2.4 nam sinh viên mới có 1 nữ sinh viên. Phái nữ mà vào đây học thì quả thật là… có giá!

Chương trình học tại Caltech thuộc loại … khó nhai. Sinh viên bắt buộc lấy 5 mùa (quarter) Vật lý và 5 mùa Toán. Tuy nhiên hai mùa đầu sinh viên không phải lấy điểm (A, B, C, D) mà chỉ cần Pass/Fail (Đậu/Rớt) nhằm giúp cho sinh viên giảm bớt lo âu và có thể thích ứng dần với môi trường thách đố của khoa học kỹ thuật. Với một chương trình dầy đặc các môn Toán và Khoa học như thế, hẳn nhiên việc chấm điểm theo Đậu/Rớt là một sáng kiến hay. Ước chi các đại học và cao đẳng cộng đồng cũng giúp các sinh viên năm thứ nhất của mình có một thời gian vui vẻ như vậy!

Trong một năm sinh viên sẽ học 3 mùa (không kể mùa hè), mỗi mùa học (quarter) khoảng 10 tuần (có khi 11 tuần.) Học theo “quarter” sinh viên sẽ phải ghi danh 3 lần, mua sách giáo khoa 3 lần (sách giáo khoa không … rẻ chút nào!) và thi học kỳ (finals) 3 lần. Nói tóm lại sẽ phải tốn công sức và tiền của gấp 1.5 lần khi lấy theo “semester” nên căng thẳng vì phải làm việc nhiều. Bước vào lớp học thầy chạy, trò chạy (cho kịp chương trình) như chạy ...marathon.

Các em học sinh nên lưu tâm điều này khi chọn đại học: hãy để ý xem trường mình yêu thích học theo “quarter” hay “semester.” Trong hệ thống UC, Berkeley là trường dạy theo "semester."

Trước kia Caltech là đại học có ít sinh viên ra trường trong thời gian 4 năm nhất nhưng có lẽ tình hình đã thay đổi và trường đang cấu trúc một chương trình giúp gia tăng tỷ lệ này. Hiện nay trường có sĩ số sinh viên tốt nghiệp Cử nhân trong thời gian 4 năm khá cao. Caltech cũng đồng thời là một trong những đại học có nhiều sinh viên theo học trình Tiến sĩ sau khi có bằng Cử nhân nhất tại Hoa kỳ. Điều này có nghĩa là các đại học rất thích nhận sinh viên của Caltech (sau khi đã hoàn tất Cử nhân) vào chương trình PhD của họ.

Trong năm 2005 trường đã cấp 219 văn bằng Cử nhân (BS), 120 Cao học (MS) và 182 Tiến sĩ (PhD.) Con số này thật khiêm tốn nếu so sánh với UC Berkeley (hơn 5500 Cử nhân, 2000 Cao học, 900 Tiến sĩ và 200 Tiến sĩ Luật khoa.)

Để kết luận xin trích dẫn lời của Giáo sư Pauling với các bạn trẻ về tính cách phải biết hoài nghi trong công việc nghiên cứu khoa học, “…Khi một người già và nổi tiếng nói chuyện với các bạn, hãy lắng nghe ông ta với lòng kính trọng nhưng đừng tin vào ông ta. Đừng bao giờ đặt niềm tin vào bất cứ điều gì ngoại trừ do chính sự suy nghĩ và hiểu biết của các bạn. Người già cả đó cho dù có hói đầu, có tóc bạc hay có giải thưởng Nobel, ông ta vẫn có thể sai. Do vậy hãy nghi ngờ tất cả và chỉ suy nghĩ bằng chính bản thân mình.”

No comments: