Tuesday, 1 January 2008

26 Khoa Học và Đạo Đức




Dẫu rằng trí thiểu tài hèn

Chịu khó nhẫn nại cũng nên cơ đồ


Sau sư kiện giáo sư Hwang Woo-Suk của Nam Hàn giả mạo công trình nghiên cứu về tế bào gốc, việc sao chép công trình nghiên cứu của người khác đưa vào luận án Thạc sĩ tại khoa Kỹ sư cơ khí Đại học Ohio, Hoa kỳ một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về giá trị đạo đức của các nhà nghiên cứu khoa học.

Manh mối khởi đầu

Đầu năm 1985, Taylan Atlan, một nhà lãnh đạo của Battelle phỏng vấn một sinh viên xin việc và khi hỏi về luận án ra trường của sinh viên này, ông nhận thấy rằng phần mở đầu (literature review) gồm nhiều trang của luận án Thạc sĩ trùng hợp với một báo cáo khoa học (report) của công ty ông. Phần này thường giải thích những công trình nghiên cứu đáng chú ý của những nhà nghiên cứu trước về công trình mình đang thực hiện để người đọc dễ so sánh và có một cái nhìn rộng rãi hơn. Nó được coi như phần mở đầu của luận án.

Battelle Columbus Laboratories, một tổ hợp gồm nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới có tổng hành dinh ở Ohio toạ lạc cùng tiểu bang với đại học Ohio. Nhân viên của hai cơ quan này biết rõ nhau, có người làm bán thời gian (part time) cho cả hai nơi. Các sinh viên của đại học Ohio thường xin việc làm tại Battelle sau khi ra trường. Nói tóm lại, Battelle là một “căn cứ” của đại học Ohio giống như Silicon Valley của trường Stanford.

Hơn 20 năm về trước, Taylan Atlan đã thông báo cho khoa trưởng khoa cơ khí của đại học Ohio, Jay Gunasekera – một người gốc Srilanca – vào ngày 19/02/1985 đề nghị, “Tôi tin rằng ngài nên giải thích tình huống (sao chép) này…” Ngoài ra, khi xem xét những đơn xin việc khác kế tiếp, trong phần ghi chú tài liệu tham khảo, một số biểu đồ và số liệu thống kê cũng đã bị sao chép mà không có ghi chú thích hợp về nguồn gốc (của Battelle) cũng như thời gian thực hiện nghiên cứu.

Lỗi tại thầy hay lỗi tại trò?

Đối với Gunasekera, trích dẫn tài liệu là trách nhiệm của sinh viên. Do vậy ông đã không chú tâm nhiều vào vấn đề Atlan nêu ra. Chính vì quan niệm như vậy, cá nhân Gunasekera, khoa cơ khí và đại học Ohio ngày nay phải gánh chịu tai tiếng. Atlan cho rằng, đáng lẽ với tư cách là giáo sư cố vấn, ông Gunasekera phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm của sinh viên dưới quyền.

Gần đây khi sự việc trở nên trầm trọng, Gunasekera trả lời trong một cuộc phỏng vấn, biểu lộ sự hối tiếc, “Đó là một tắc trách. Tôi cảm thấy hổ thẹn. Nếu phải làm lại, tôi sẽ không để điều ấy xảy ra.” Ông cũng nói thêm ông đã phải làm việc quá nhiều, không đủ thời gian kiểm soát mọi luận án Thạc sĩ và Tiến sĩ do mình đỡ đầu.

Thông thường, Giáo sư đỡ đầu gặp gỡ các sinh viên một tuần và giúp họ hoàn thành luận án. Gunasekera đã đưa cho các sinh viên những biểu đồ (diagrams) của Battelle để giúp các sinh viên học hỏi từ những mẫu đó và so sánh kết quả của mình với tài liệu của Battelle.

Nhưng một vấn đề phát sinh: các sinh viên lại ghi chú là biểu đồ được lấy từ nguồn khác, tức là trích dẫn sai. Thế rồi các sinh viên khác đi sau, đa số đến từ những quốc gia không nói tiếng Anh (như Trung Hoa, Ấn Độ, Sri Lanka, Arab Saudi …) cứ vậy cặm cụi sao chép – từ dẫn giải mở đầu tới những số liệu – của các sinh viên đi trước để so sánh với số liệu do mình làm thí nghiệm mà không hề đặt câu hỏi về nguồn gốc của các tài liệu. Lỗi lầm cứ lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ sinh viên.

Thành thật mà nói, các sinh viên thực hiện việc sao chép khi làm công tác khoa học bị một trở ngại đó là khả năng Anh văn nên họ cảm thấy khó khăn với chữ nghĩa. Hơn nữa thói quen coi thường những trích dẫn tài liệu khi sống ở quốc gia nguyên quán khiến họ không hề áy náy gì lúc sao chép. Những sinh viên này thông minh và những máy móc họ dùng càng ngày càng chính xác do vậy công việc nghiên cứu của họ có kết quả cao hơn ngay cả của Battelle.

Atlan đồng ý rằng, lỗi lầm này không thuộc về sinh viên, “Chúng ta là con người, chúng ta có lỗi lầm...” Sinh viên ra trường làm việc rất tốt cho Battelle, Atlan một lần nữa lại chỉ đổ lỗi cho giáo sư Gunasekera, “Gunasekera phải chịu nhiều trách nhiệm hơn.”

Quả bom nổ ... chậm 21 năm

Tuy nhiên người cho bùng nổ quả bom này không phải là Atlan mà lại là một nghiên cứu sinh tên là Thomas Matrka. Anh này đã cho đăng các tin tức về việc sao chép trên báo chí và loan tải các tin tức trên các phương tiện truyền thanh truyền hình sau khi tham khảo các luận án được lưu trữ trong thư viện trường rồi khám phá ra sự sao chép.

Riêng với đại học Ohio, một đại học đứng hạng hai trong “top 20 party schools” theo đánh giá của Princeton Review một lần nữa lại làm cho hình ảnh về trường ảm đạm hơn. Lưu ý thêm, ở tiểu bang California, UC Santa Cruz cũng đã có tên trong danh sách nhưng nay đã được UC Santa Barbara thay thế vị trí trong “bảng phong thần”! Có sinh viên cho rằng theo học tại các trường “party” rất dễ chịu, ít bị cạnh tranh và dễ nổi bật nếu chịu học mà không bị lây bệnh truyền nhiễm …“party”!

Một ủy ban độc lập sau đó được thành lập để điều tra sự việc xảy ra tại đại học Ohio. Kết quả là Gunasekera phải từ chức. Sau đó ông Gunasekera kiện trường đại học Ohio đòi bồi thường tối thiểu $25,000 vì trường đã công bố bản phúc trình điều tra ra ngoài khiến những cơ hội làm việc của ông bị suy giảm. Cuộc điều tra kéo dài 4 tháng cho thấy sự việc khá trầm trọng, những hành vi sao chép đã được làm ngơ thậm chí đôi khi còn được khuyến khích bởi vài giáo sư.


Biện pháp trừng phạt

Những biện pháp sau đây sẽ được áp dụng:

  1. Đối với các luận án có sao chép: tất cả sẽ bị loại ra, không được lưu giữ trong thư viện trường. Luận án sau khi sửa đổi phải được trình bày dưới dạng digital nhằm giúp nhà trường dễ dàng kiểm soát xem có sao chép hay không?
  2. Đối với các sinh viên vi phạm: phải sửa đổi lại những lầm lỗi trong luận án và sau đó phải bảo vệ lại. Muốn sửa đổi, sinh viên phải ghi danh đi học lại trong trường. Các sinh viên có 3 tháng để trả lời và có 9 tháng để thực hiện sửa đổi.

3 sinh viên đã xong học trình Cao học nhưng đang làm luận án Tiến sĩ sẽ bị đình chỉ việc nghiên cứu cho đến khi sửa đổi xong luận án Cao học.

Trong số 293 văn bằng Cao học mà khoa cơ khí cấp, 106 đã được thực hiện dưới sự bảo trợ của hai vị giáo sư “tai tiếng.” Tất cả 106 văn bằng này sẽ được xem xét lại.

Điều đáng tiếc này cho chúng ta thấy rằng trong khi có người vẫn còn coi nhẹ sự kiện sao chép trên thì trái lại nền văn hoá Hoa kỳ lại coi đây là một hành động xấu xa cần phải loại bỏ. Đồng thời biến cố này cũng cho thấy khi cần phải làm trong sạch một guồng máy đã tồn tại trong 21 năm, đại học Ohio cũng sẵn sàng can đảm thay đổi để lấy lại danh tiếng của họ.

Công bằng mà nói, các sinh viên nói chung đã hoàn thành công việc nghiên cứu một cách hoàn hảo nhưng lại cẩu thả trong trình bày nên dẫn tới tình trạng đáng tiếc trên. Họ đã đi được 90% đoạn đường bằng chính mồ hôi và đôi tay của mình. Tuy vậy những phần “râu ria” nhiều tiếng Anh họ đã quay cọp một cách quá máy móc nên đã tạo ra một hậu quả nặng nề và nhất là các giáo sư tuy nhận thức được vấn đề nhưng đã cố tình làm ngơ.

“Lòng can đảm cao nhất là dám làm chính mình khi phải đối đầu với khó khăn. Phải chọn điều đúng giữa những điều sai trái, chọn đạo đức thay vì buông thả và chọn sự thật thay vì tiếng tăm. Những lựa chọn này đo lường giá trị cuộc sống chúng ta. Hãy thẳng tiến bước đi trên con đường thành thật mà không ngó lại đàng sau, bởi vì lúc nào cũng có cơ hội để thực hìện một điều đúng nghĩa.” (The Courage of Integrity.)

No comments: