
Con ơi, mẹ bảo con này,
Học hành chăm chỉ, cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười,
Dù no, dù đói, cho tươi,
Khoan ăn, bớt ngủ, là người lo toan.
Có nhiều em học sinh, sinh viên Việt nam chúng ta thông minh và hiếu học; đi vào bất cứ một đại học nổi tiếng (Harvard, MIT, Stanford, Yale ..) hay một học bổng danh giá nào (Rhodes, Fulbright, Howard Hughes …) cũng nhận ra những họ Nguyễn, Trần, Lê, Vũ … trong danh sách.
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đó, một số con em khác của chúng ta cũng đang phải đương đầu với khó khăn mà các học sinh tại Mỹ nói chung thường gặp. Mục đích của bài nhằm đưa ra một vài khuyết điểm nảy sinh tại trường học và gia đình cũng như đề ra một vài biện pháp khắc phục.
Không quan tâm về điểm (grade)
Một ông trung niên vào học đại học ở Mỹ được chứng kiến một điều lạ lùng. Trong lớp các em hiểu rõ bài hơn vì tiếng Anh các em thông thạo hơn, điều đó không những đúng đối với các môn Anh, Sử … mà còn đúng cả với các môn Toán, Lý, Hoá … nữa. Khi làm lab (thí nghiệm) chúng thực hiện nhanh hơn và … ra về sớm hơn – nhưng ngược lại hễ có điểm thì thế nào ông cũng cao điểm hơn. Rõ ràng không phải vì giỏi hơn mà vì ông quan tâm tới điểm, cố gắng làm tốt mọi thứ phải làm. Gặp “extra credit” (bài cho điểm thêm) là suy nghĩ làm ngay. Một số em không chịu bỏ công sức ra làm.
Cẩu thả hơn nữa, sau khi có thí nghiệm phải về nhà làm báo cáo kết quả (report), trả lời một số câu hỏi và tính toán những điều mình đã thực hiện, các em làm rất qua loa. Đợi tới lúc sắp nộp bài mới cuống lên làm. Do vậy bài báo cáo không đạt được tiêu chuẩn tốt và điểm không cao.
Ngoài ra, các em nắm kiến thức mới khá nhanh nhưng ứng dụng kiến thức đó vào thi cử không hiệu quả nên điểm thấp. Vì sao? Vì không quan tâm về điểm. Giáo sư dặn dò ôn tập phần nào không chú ý lắng nghe. Hoặc có nghe nhưng không ghi chép xuống. Đối với các em dường như điểm không phải là một điều đáng lo lắng! Các em mang thói quen xấu này trong suốt quãng đời đi học.
Thời gian dành cho bài thi là 50 phút thì mới 30 phút là chỉ còn 1/3 lớp, các em làm đại cho xong, không kiểm soát lại những lầm lỗi (mistakes.)
Nói chung, các em không học cách cải tiến từ sai lầm nên sai lầm cứ lập đi lập lại. Học như thế thì lâu ra trường vì phải lấy lại môn bị rớt. Các em không tập luyện cho thành kỹ năng (skill) nên hôm nay làm được bài nhưng hôm sau làm không được. Không phải như ở Việt nam, ở Mỹ giáo sư trả lại bài không cho người này biết điểm của người kia nên các em bị C hay D không khó chịu lắm.
Hơn nữa, giáo sư tại đây đôi khi “curve”, nghĩa là tính điểm theo sinh viên cao nhất. Thí dụ: một sinh viên sau khi làm bài thi được 70%, tương đương với điểm C nhưng nếu sinh viên này cao điểm nhất thì C biến thành A và những sinh viên khác bị D sẽ được đưa lên B. Do vậy các em bằng lòng với C hay D rồi chờ giáo sư “curve” nâng điểm lên. Điều này xảy ra ở cả trung học và đại học.
Thông thường nhà trường Mỹ không khuyến khích việc ganh đua hoặc quan trọng hoá về điểm. Nhưng thật ra khi tuyển sinh bất cứ ngành nào họ căn cứ khá nhiều vào điểm nên phụ huynh cần dặn dò các em quan tâm tới điểm ngay từ bé bằng cách khen thưởng khi điểm đi lên. Phần thưởng nhằm thể hiện sự khen ngợi của cha mẹ trước cố gắng của con em mình. Vì thế, khi thấy con được điểm tốt xin hãy thưởng cho các em một lời khen, một cái ôm hôn thân thương, một buổi đi ăn tối... Tất cả những khen tặng đều là phần thưởng có ý nghĩa. Tuy nhiên quan trọng hơn vẫn là giúp các em hứng thú và tìm được niềm vui trong học tập. Đây mới là nguồn lực chính giúp các em có được kết quả học tập tốt.
Phụ huynh nên khuyến khích các em tự làm việc và làm lại bài ở trường học. Tất cả những quiz (bài kiểm ngắn cho một bài học chừng 15’) và test (bài kiểm cho một chương chừng 50’) nên được giữ lại và sửa lầm lỗi để khi có bài kiểm tra giữa và cuối học kỳ thì mang ra ôn lại. Xin hãy yêu cầu các em ghi chú những sửa chữa của thầy cô giáo vào bài kiểm. Rất nhiều em khi nhận được bài kiểm là vo viên vào rồi ném vào thùng rác. Giáo sư tại đây hay ra lại những đề tài cũ mà họ đã ra trong những lần trước. Dĩ nhiên không lần nào hoàn toàn giống nhau nhưng căn bản thì ít khác biệt.
Không có hướng đi và không có động cơ học tập
53% tân sinh viên 2005 ghi là “chưa quyết định” khi chọn ngành học (major) trên đại học Stanford. Các em quyết định hướng đi khá trễ. Riêng với học sinh gốc Việt, một số có hướng đi rõ ràng, biết mình sẽ học gì, không đổi ngành học, không học thừa tín chỉ, nên bao giờ học cũng khá và nhanh ra trường. Cha mẹ nên cho các em có cơ hội gặp gỡ, làm quen nhiều ngành nghề khác nhau để các em có dịp tìm hiểu và suy nghĩ đến nghề nghiệp tương lai.
Điều quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp là các em có mục tiêu để nhắm tới và do vậy có động cơ học tập. Nếu một em muốn lớn lên làm một nghề không vừa ý cha mẹ thì đừng chê bai, ngăn cản. Thực tế cho thấy nhiều người đã thay đổi nghề nghiệp của mình khi lớn lên. Và cho dù em làm nghề mà cha mẹ không thích đi nữa thì sống đàng hoàng, có một công việc yêu thích để làm cũng là một vinh dự cho gia đình.
Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng thành công trong việc tạo cho các em có động cơ học tập. Nhiều em khi được hỏi muốn làm nghề nghiệp gì trong tương lai thì trả lời “không biết.” Xin hiểu rằng đối với các em, chúng tự hỏi tại sao cha mẹ lúc nào cũng ầm ĩ chuyện học hành. Trước mắt chúng là hàng triệu người không qua đại học mà vẫn thành công, vẫn nổi tiếng và giầu có.
Nhiều nhà khoa học như Albert Einstein học rất thường ở trung học và đại học nhưng lại rất giỏi khi nghiên cứu những công trình khoa học. Thomas Alva Edison tới trường học chính thức chỉ có … 3 tháng còn bao nhiêu là do mẹ dạy ở nhà mà vẫn trở thành một trong những nhà phát minh, sáng chế vĩ đại nhất của nhân loại. Nhiều người đoạt giải Nobel, các nhà tỷ phú máy tính... bỏ học ngang mà vẫn thành danh. Do nghĩ như vậy nên một số em cứ tà tà vui sống, không lường trước được đoạn đường chông gai trước mặt, không hiểu được những thành công ít ỏi đó chỉ là thiểu số.
Khuyết điểm trên không phải của riêng em nào cả mà là chung của các em lớn lên tại Mỹ. Thật ra có em biết lo cho tương lai sớm, có em biết lo cho tương lai trễ hơn. Quả trên cây còn có quả chín sớm quả chín muộn. Cha mẹ vừa phải nhắc nhở, khuyên răn, vừa phải nghe ngóng, chờ đợi, sẽ tới lúc các em biết quan tâm cho tương lai. Bất cứ hành động quở trách nào cũng chỉ mang tác dụng ngược.
Không có đối thoại tốt
Một số ít em không thể nói chuyện được với các thành viên khác trong gia đình. Hỏi về học hành thì nổi nóng, thậm chí trở thành lỗ mãng. Mọi người cảm thấy “khắc khẩu” với em. Em mang thói quen xấu này tới trường học, không lễ phép với thầy cô, không có bạn bè tốt. Đây chính là giai đoạn cha mẹ nên điều chỉnh chiến thuật giáo dục.
Khi đó cha mẹ nên kiên nhẫn, đừng đòi hỏi kết quả học tập cao vì không thực tế. Em còn tới trường là tốt rồi. Nóng nảy rầy la, chê bai, so sánh con mình với con người khác không bao giờ mang lại kết quả như ý. Ít nhất một người trong gia đình phải tìm cách là chỗ dựa tinh thần để em tâm sự, nói ra suy nghĩ của mình. Em nào càng học dở, càng “chứng” thì em đó càng cần được quan tâm, săn sóc và yêu thương hơn.
Các em trưởng thành trong một môi trường khác nên có quan điểm sống không giống chúng ta. Nguyên nhân lúc ban đầu có thể vì những xung khắc của hai lối sống, hai cách suy nghĩ khác nhau giữa trường học với gia đình khiến con em chúng ta lúng túng, lúc nào cũng cảm thấy minh ìà một hành tinh xa lạ trong gia đình. Chẳng hạn việc đưa bằng hai tay khi đưa vật gì cho người lớn. Đối với chúng ta đây là thói quen văn hóa lâu đời, việc nên làm. Tuy nhiên khi các em mang thói quen này tới trường học thì được coi là “kỳ cục” đối với một số người Mỹ. Các em từ Việt nam qua lúc đã lớn có thể phân biệt chỗ nào, lúc nào nên làm nhưng đối với một số em sinh ra và lớn lên tại Mỹ, chúng không thể thích ứng được. Các em hoang mang rất tội nghiệp. Vậy chúng ta có nên thay đổi chính suy nghĩ của mình không?
Tóm lại, những thử thách mà chúng ta đang phải đương đầu là có thật. Nếu nó đã xảy ra và đang tồn tại: hãy kiên nhẫn, bình tĩnh và sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình vì lợi ích của các em hơn là vì lợi ích của người lớn. Hy vọng các em, sớm hay muộn, cũng thành công, cũng thành người tốt
No comments:
Post a Comment