
Terence Tao là nhà toán học gốc Hoa sinh ra tại Úc ngày 17/7/1975. Cha là bác sĩ, mẹ tốt nghiệp cử nhân Toán Lý và đã từng dạy Toán tại trường trung học khi còn ở Hồng Kông.
Terence Tao là một siêu sao Toán học. Giáo sư John Garnett của UCLA cho rằng, “Ông có lẽ là nhà Toán học số một thế giới hiện nay." Chỉ số thông minh IQ của Terence là 220. Cứ một triệu người mới có một người có IQ cao như thế.
Thần đồng tuổi thơ
Lúc 2 tuổi, trong khi những bé trai khác thích chơi với xe hơi và máy bay, em đã thích chơi máy chữ bằng cách tập đánh theo các mẫu tự ở một cuốn sách trẻ em. Trong một cuộc họp mặt gia đình, Terence lúc đó mới 2 tuổi đã dạy Toán và tiếng Anh cho một cậu bé 5 tuổi mà em đã học được từ chương trình truyền hình Sesame Street.
Lúc được 3 tuổi rưỡi cha mẹ em vội vã cho tới trường tiểu học. Em thông minh hơn những học sinh khác nhưng không chơi được với các bạn lớn hơn nên thường làm ồn ào trong lớp. Một bài học được rút ra: Yếu tố giao tiếp tại trường học phải được lưu tâm trong giáo dục.
Gia đình do vậỵ quyết định vừa cho em đi Mẫu giáo vừa dạy thêm con ở nhà.
Khi gần 4 tuổi em có thể làm Toán nhân nhẩm trong đầu gồm hai số trên và hai số dưới thí dụ như 89 x 17. Chương trình Toán tiểu học được hoàn thành trước khi em 5 tuổi.
Phải cho một thần đồng học tập như thế nào cho vừa phải, nghĩa là học vừa sức mình mà vẫn hưởng được tuổi thơ như các em khác là điều cha mẹ em quan tâm nhất. Họ quyết định cho em học hành một cách linh động, nghĩa là em thích gì học đó mà không thúc ép cũng không ngăn cản. Gia đình cố gắng tìm một trường học thích hợp với Terence.
Lúc 6 tuổi rưỡi, em tìm được một trường tiểu học theo ý mình, đó là Bellevue Heights. Tại đây em ngồi học các lớp 3, 4, 6 và 7 tùy theo trình độ từng môn học; lúc này em chơi đùa vui vẻ hơn và giao tiếp thoải mái hơn với tất cả chúng bạn lớn tuổi hơn mình. Ở tiểu bang của em lúc đó, trường tiểu học gồm lớp 1 tới lớp 7 và trung học gồm lớp 8 tới 12.
Lúc 7 tuổi rưỡi em bắt đầu học chương trình Toán và Vật lý trung học bán thời gian đồng thời thực hành thảo chương vi tính ở nhà. Đây là thời điểm em bắt đầu học Giải tích.
Trường Trung học
Lúc 8 tuổi rưỡi em bắt đầu học toàn thời gian tại trường trung học Blackwood và học chương trình Toán đại học tại nhà. Tại trường trung học em học Vật lý lớp 12, Hoá lớp 11 và Anh văn lớp 8. Tới đâu các anh chị cùng lớp cũng thích em tuy em học giỏi hơn họ. Vì đại học Flinders gần nhà nên lúc 9 tuổi rưỡi em đã dành 1/3 thời gian học hành tại đây. Lúc 11 tuổi em học xong Giải tích trình độ đại học. Cứ đà này em sẽ tốt nghiệp đại học lúc 12 tuổi!
Với một đứa con tài năng, gia đình vẫn hoang mang về việc giáo dục của em. Terence nên đi học nhanh chậm ra sao, có nên vào đại học sớm không … vẫn là một băn khoăn chủ yếu của gia đình.
Trong khi đó các đại học của Mỹ gửi nhiều thư mời tới để họ “xem mặt” thần đồng nhưng nhiều phần là để quyến rũ em ngay từ lúc nhỏ về học tập tại trường họ. Ai có con em giỏi thật sự xin đừng lo lắng, các đại học lớn sẽ tìm tới mời chào.
Chậm mà … chắc
Vào tháng 5/1983, khi Terence được 8 năm 10 tháng, gia đình quyết định nhận lời mời của sáu đại học hàng đầu Hoa kỳ là Princeton, Johns Hopkins, Purdue, Columbia, Berkeley, và Stanford để họ làm trắc nghiệm khả năng và nhắm rõ hướng đi cho Terence.
Nhân dịp này, em lấy SAT Toán theo lời mời của Julian Stanley, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Tài năng Toán Trẻ tại đại học Johns Hopkins và đã ghi được 760 điểm trên bậc thang 800. Chỉ 1% học sinh 17, 18 tuổi ở Mỹ đạt được trên 750 điểm mà thôi.
Julian Stanley tuyên bố rằng Terrence có khả năng lý luận cao nhất trong suốt 14 năm tìm kiếm thần đồng của chương trình. Từ trước tới nay mới chỉ có 2 cậu bé 8 tuổi đạt được trên 700 điểm mà thôi. Tuy nhiên một yếu kém được bộc lộ, SAT Anh văn (Verbal) của em chỉ có 290, nghĩa là so với bạn bè cùng lứa tuổi Anh văn của em không có gì trổi vượt.
Sau khi khảo sát, các nhà giáo dục tại sáu đại học trên cho rằng không có khả năng ngôn ngữ sẽ hạn chế phương cách diễn đạt và chắc chắn sẽ hạn chế khả năng phát triển Toán học ở trình độ cao. Gia đình được khuyên hãy đi những bước chậm rãi và em chỉ nên vào đại học lúc 13 tuổi (đợi thêm 5 năm nữa!) để phát triển thêm những môn nhân văn xã hội nhằm đạt được sự cân bằng chung. Điều đó nói lên giáo dục phổ thông rất quan trọng.
Những thành công rực rỡ sau này trong nghiên cứu Toán học của Terence cho thấy thần đồng sẽ chết yểu nếu bị thúc ép quá sớm hay bị tận dụng khai thác là đúng với thực tế.
Thành tích Quốc tế đầu tiên và Đại học
Lên 11 tuổi Terence đi thi Toán Olympiad quốc tế và được huy chương đồng, rồi huy chương bạc năm tiếp theo và cuối cùng huy chương vàng lúc 13 tuổi (1988.) Thành tích này cho đến nay vẫn chưa ai trên thế giới phá được. Khi đi thi người ta thấy em khá thoải mái bên cạnh những đàn anh đàn chị nhưng vẫn giữ ý thích ở tuổi của mình như ăn kem sô cô la …
Lúc 13 tuổi em vào đại học. Về mặt xã hội em tỏ ra có những giao tiếp khá thích ứng với bạn bè và giáo sư. Tự tin nhưng không kiêu ngạo, khoe khoang; em luôn khiêm tốn và dễ thương với mọi người. Terence lấy bằng Cử nhân và Cao học của đại học Flinders khi 17 tuổi.
Năm 1992 cậu được học bổng Fulbright để theo học trình tiến sĩ tại Mỹ từ năm 1992 – 1996 ở Đại học Princeton dưới sự hướng dẫn của giáo sư Elias Stein và nhận bằng Tiến sĩ khi 20 tuổi rồi gia nhập đội ngũ giảng dạy UCLA cùng năm đó.
Ông trở thành giáo sư chính thức (full professor) năm 24 tuổi. Vị trí này chỉ dành cho một số ít giáo sư tài năng, bảo đảm cho họ được giảng dạy, nghiên cứu lâu dài với quyền lợi cao hơn. UCLA dùng chức danh đó như một phương cách bảo vệ nhân tài khỏi bị các đại học giầu có khác mời mọc. Nhiều người đang tự hỏi không biết UCLA giữ chân ông được bao lâu.
Thần đồng “chín mùi” thành thiên tài
Qua nhiều công trình nghiên cứu, ông liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng và tài năng nở rộ rực rỡ. Một ngôi sao bắt đầu toả sáng trên bầu trời Toán học quốc tế.
Ông giành giải thưởng Salem năm 2000, giải thưởng Bocher năm 2002, giải thưởng Clay năm 2003, và giải thưởng Levi L. Conant của Hiệp hội Toán Mỹ năm 2005. Kế tiếp là giải thưởng MacArthur Fellowship trị giá $500 ngàn. Nhiều vinh dự tới tấp bay về. UCLA “nở mặt nở mày” vì có trong ban giảng huấn một thiên tài toán học như vậy.
Năm 2006, tại Đại hội Toán học quốc tế lần thứ 25 ở Madrid, ông là một trong những người trẻ tuổi nhất và là thành viên giảng dạy đầu tiên của UCLA giành được giải thưởng Fields – một giải thưởng cao quý nhất của Toán và được coi như Nobel của Toán học.
Giải Fields là một giải thưởng được trao cho hai, ba hay bốn nhà toán học không quá 40 tuổi của Hiệp hội Toán quốc tế được tổ chức 4 năm một lần. Mục đích của giải thưởng là sự công nhận cho các nhà toán học trẻ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho toán học.
Hiện nay có những khám phá về Toán học của ông có thể áp dụng vào kỹ nghệ nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng còn phải mất vài chục năm nữa mới ứng dụng được.
Có nhiều thần đồng sáng chói ở tuổi thơ nhưng lại vụt tắt khi tới tuổi trưởng thành do gia đình muốn các em đi thật nhanh và tốt nghiệp đại học sớm (có em lãnh bằng Cử nhân khi 12 tuổi!) hoặc xã hội lợi dụng đào tạo “gà nòi” cho các kỳ thi Toán Quốc tế.
Trong giáo dục thần đồng, hãy đi chậm, học đầy đủ những môn phổ thông khác và hãy để những thần đồng này có tuổi thơ bên cạnh những bạn bè cùng trang lứa. Rực sáng khi tài năng chín mùi mới như Terence Tao mới thật sự bền vững.
No comments:
Post a Comment