
Cộng đồng Việt nam chúng ta đã đạt được những thành quả đáng khâm phục trên con đường học vấn. Vào bất cứ đại học hay những hãng xưởng, cơ quan công quyền nào chúng ta cũng thấy những đại diện xuất sắc. Mùa thu 2003, chi tiết của cuộc điều tra dân số năm 2000 được công khai hoá và cũng là thời điểm chúng ta nhìn lại, biết mình đang ở đâu để tiến tới những thành quả cao hơn.
Mỗi 10 năm, Hoa kỳ lại tổ chức cuộc điều tra dân số nhằm tổ chức lại guồng máy chính quyền cũng như tìm cách thực thi các chính sách quốc gia và địa phương sao cho hiệu quả hơn. Những số liệu đó có nhiều giá trị khách quan mà các nhà lãnh đạo thường dựa vào đó để phân tích và định hướng đi sắp tới.
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những dữ kiện liên quan về giáo dục của cộng đồng Việt nam bằng cách nhìn chủ yếu vào cuộc điều tra dân số Hoa kỳ (US Census) năm 2000 kết hợp với cuộc điều tra dân số trước đó 1990. Đặc biệt là so sánh thành quả của cộng đồng chúng ta với các cộng đồng Á châu bạn như Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật, Phi, Lào ...
Những biểu hiện tích cực
- Số lượng ghi danh đi học trong lứa tuổi 20 tới 24 cao
Không thể nghi ngờ gì nữa, trong lứa tuổi này các bạn trẻ trong cộng đồng chúng ta có tỷ lệ ghi danh đi học rất cao. Theo cuộc điều tra dân số năm 2000 thì 58.4% những bạn trẻ gốc Việt nam trong lứa tuổi 20 tới 24 ghi danh đi học tại các trường đại học hay các trường đào tạo ngành nghề so với tỷ lệ trung bình 35.5% trên toàn quốc Hoa kỳ. Điều này chứng tỏ con em chúng ta đã cố gắng tận dụng cơ hội giáo dục có sẵn trong tầm tay.
- Tỷ lệ có bằng Cử nhân gia tăng 2.5% trong thập niên 1990 - 2000
Trong cuộc điều tra dân số năm 1990 tỷ lệ những người Việt nam từ 25 tuổi trở lên có bằng Cử nhân là 17% và đến cuộc điều tra dân số năm 2000 tỷ lệ này là 19.5% nghĩa là đã gia tăng được 2.5%. Sự gia tăng này là cả một cố gắng xứng đáng được khen ngợi. Đây là con số đi lên thật đáng khích lệ cho cộng đồng chúng ta mặc dù con số này trên toàn quốc cũng gia tăng gần như tương tự.
Những con số biết nói: Một tin tức không vui
Sau đây là tỷ lệ phần trăm những người từ 25 tuổi trở lên có Văn bằng Trung học, Cử nhân và Tiến sĩ của một số sắc dân Á châu:
Quốc gia Trung học Cử nhân Tiến sĩ Ấn độ 85.4% 60.9% 4.6% Trung hoa 77.6% 46.6% 4.9% Đại Hàn 86.4% 43.1% 2.4% Nhật 91.4% 40.4% 1.7% Phi 87.4% 41.7% 0.6% Việt nam 61.9% 19.5% 0.5% Cam bốt 47.1% 9.1% 0.2% Lào 50.5% 7.6% 0.2%
Tính theo toàn dân số Hoa kỳ, cứ 100 người từ 25 tuổi trở lên thì 80.4 người có văn bằng Trung học, 24.4 người có văn bằng Cử nhân và 1.0 người có văn bằng Tiến sĩ.
Tính theo các sắc dân Á châu, cứ 100 người gốc Á châu 25 tuổi trở lên thì 80.6 người có văn bằng Trung học, 42.7 người có văn bằng Cử nhân và 2.7 người có văn bằng Tiến sĩ.
Như vậy, tỷ lệ những người có văn bằng Cử nhân của các sắc dân Á châu cao gần gấp đôi tỷ lệ đó của toàn dân số Hoa kỳ và tỷ lệ những người có văn bằng Tiến sĩ cao gần gấp 3.
Sắc dân Á châu đóng góp cao vào đội ngũ trí thức nước Mỹ khiến các cộng đồng khác tại Hoa kỳ gọi sự thành công này là “gương mẫu” cho các sắc dân thiểu số khác noi theo. Vô tình tạo ra một “Huyền thoại sắc dân thiểu số Á châu gương mẫu.” (Asian Model Minority Myth.)
“Huyền thoại” trong trường hợp này có nghĩa là “khái niệm giả tạo” (false notion.) Không phải mọi người đến từ Á châu đều thành công, đều là “mẫu mực.” Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy rằng kể từ cộng đồng Việt nam trong bảng liệt kê trở xuống, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học, Cử nhân và Tiến sĩ đã không theo kịp tỷ lệ chung tại Hoa kỳ.
Cộng đồng Việt nam nói chung vẫn còn lẽo đẽo theo sau các cộng đồng Á châu bạn.
Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết những người Việt nam đã đến Mỹ lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, mang theo mình những ngắt quãng học hành do các đợt tổng động viên trong thời kỳ chiến tranh và những khó khăn vật chất ngay từ khi còn ở trong nước.
Xin đừng bi quan! Đằng sau những con số của cuộc điều tra dân số là biết bao khuôn mặt thành đạt của cộng đồng Việt nam khiến chúng ta hãnh diện. Tuy còn mới mẻ và non trẻ chúng ta đã có phi hành gia, khoa học gia làm việc tại NASA, giáo sư nghiên cứu y khoa, tuyển thủ trong làng thể thao, những vị dân cử, chánh án, người thiết kế thời trang ...
Gióng lên tiếng nói & Gia tăng khả năng Anh văn
Các cộng đồng chung tại Hoa kỳ dễ dàng ngộ nhận rằng tất cả các em Việt nam là thành phần Á châu ưu tú và do vậy không cần sự giúp đỡ từ trường học. Thực tế cho thấy, ngoài các em xuất sắc ra, một số em có khó khăn chưa thể ngang bằng với các em Á châu khác, nhất là những em mới đến nhập cư. Do vậy chúng ta phải lên tiếng về sự khác biệt này. Nền văn hoá Hoa kỳ thường nâng đỡ những người thiếu điều kiện ban đầu và các em yếu kém là những người cần sự ủng hộ đó để vươn lên.
Gianna Tran, Phó Giám đốc của Trung tâm Giới trẻ Á châu Phía Đông vùng Vịnh cho biết, ““ ... Huyền thoại về di dân kiểu mẫu Á châu” đã tấn công mạnh vào giới trẻ Việt nam vì ít người nghĩ rằng họ cần được giúp đỡ. Vấn đề đã không được nhận thức đầy đủ.”
Im lặng không phải là ... vàng!!! Một thí dụ dễ thấy nhất là nhờ lên tiếng đòi hỏi, các em gốc Hispanic được thêm 185 điểm, các em gốc Phi châu được thêm 230 điểm trong khi các em gốc Á châu lại bị trừ đi 50 điểm SAT trên bậc thang 1600 khi xin vào đại học (Thomas J. Espenshade & Chang Y. Chung, đại học Princeton 2005.) Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 120 ngàn sinh viên năm thứ nhất tại 3 đại học tư danh giá nhất Hoa kỳ trong nhiều năm.
Sự lên tiếng cá nhân nhiều khi có lợi ích cho cả cộng đồng. Một gia đình Việt nam kia mới tới Mỹ, các con không biết tiếng Anh, nhà trường thay vì mướn thầy cô giáo người Việt họ lại cho các em vào lớp học sinh nói tiếng Tây ban nha (Spanish.) Gia đình nhờ người quen nói lại, nhà trường lại mướn một cô giáo Taiwan dạy cho các em. Gia đình phải khiếu nại lần nữa, nhưng tới khi có cô giáo Việt nam thì các em đã đủ cứng cáp để vào lớp tiếng Anh bình thường như những em khác. Tuy nhiên những gia đình Việt nam khác tới sau hưởng lợi ích từ sự lên tiếng của gia đình này.
Khó khăn kế tiếp của cộng đồng chúng ta chính là khả năng Anh văn giới hạn của một số cha mẹ. Một ủy viên khác của Trung tâm Giới trẻ nêu trên cho biết, “… Ước tính rằng chỉ có một trong năm cha mẹ có khả năng cao về tiếng Anh.” Không có trình độ Anh văn, các bậc làm cha mẹ bị cô lập, không thể nói chuyện với trường học, không thể giúp đỡ được con cái, không phát hiện được những khủng hoảng của thanh thiếu niên ở giai đoạn dễ chữa trị khi mới phát sinh.
Nói chung, bất cứ sắc dân nào mới đến Hoa kỳ đều có những khó khăn ban đầu; họ cần thời gian, cần sự hỗ trợ bên ngoài cũng như sự cố gắng của những thành viên trẻ trong cộng đồng để vươn lên. Có khi phải mất vài ba thế hệ mới xây dựng được một cộng đồng “gương mẫu.”
Đã đến lúc người lớn cần ngồi lại cùng các hội sinh viên nỗ lực tìm phương cách cho thế hệ kế tiếp vươn lên đạt được nhiều thành quả hơn. Phải chăng chúng ta cần lập những mạng lưới hỗ trợ trong địa phương mình? Các trung tâm Việt ngữ, các giáo chức, quý vị dân cử, hội sinh viên … nên làm một nhịp cầu giúp đỡ những thành viên trong cộng đồng khi phải đương đầu với những thách đố, khó khăn về vấn đề giáo dục.
No comments:
Post a Comment