Thursday, 3 January 2008

74 Al Gore: Học Vấn và Chọn Ngành Nghề




Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho "cách vật trí tri"
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông


Tại trường St. Albans

Giống như Tổng thống Kenedy học tại Choate, TT Bush học tại Phillips Andover Academy, PTT Al Gore theo học trường St. Albans … Tất cả những trường nội trú trên đều dành cho con em giới thượng lưu, giàu có. Phí tổn theo học gồm học phí và các khoản linh tinh khác cho năm học 2007 – 2008 là $41 ngàn. Đây là một trường nam, Gore bắt đầu vào học St. Albans từ lớp 4 và học tại đây suốt 9 năm liên tục cho tới khi hoàn thành bậc trung học.

St. Albans là một ngôi trường được tổ chức theo kiểu Anh quốc vốn luôn nhấn mạnh vào ý thức tập thể giống như thiếu sinh quân. Học sinh được dạy tuân theo kỷ luật chung hơn là khám phá bản thân mình. Trong môi trường như thế, Gore luôn luôn là một học sinh ngoan ngoãn và gương mẫu. Trường St. Albans huấn luyện học sinh hoạt động về thể chất nên Gore có dịp chơi nhiều môn thể thao. Giống như PTT Dick Cheney, Gore được bầu làm Đội trưởng đội banh bầu dục trong trường, một vị trí sáng chói luôn được các cô yêu thích!

Xong bậc trung học, GPA của Gore không được tiết lộ, nhưng cậu tốt nghiệp với thứ hạng trung bình là 25 trong số 51 học sinh (so sánh với cựu TT Bill Clinton tốt nghiệp hạng 5 trong một lớp trung học tại trường công lập với khoảng 600 học sinh.) Một điều đáng ghi nhận là điểm Khoa học và Toán của Gore cứ từ từ xuống dốc trong những năm trung học.

Sau đây là một số điểm SAT2 của Gore:

– Physics 488/800, Chemistry 519/800 (không tốt lắm!)
– English 705/800, US History 701/800 (Khá lắm!)

Điểm SAT1 của Gore là 1355 (Toán 730, Anh văn 625.) Tương đương với điểm SAT ngày nay là 1400 (SAT cũng có lạm phát!) Chỉ số IQ của Gore trong khi theo học trung học là 133 - 134. Kết quả trên rất cao, nó chứng minh một tiềm năng tuyệt vời. Như vậy, nói theo người Việt chúng ta: Gore là một học sinh thông minh nhưng … lười!!!

Điểm GPA thường được dùng để tiên đoán mức độ chăm chỉ, động cơ học tập và sự sẵn sàng cạnh tranh của học sinh. Nếu theo dõi điểm của Gore người ta thấy phần lớn là C, B với một ít A (có được nhờ môn phụ.) Như vậy, Gore không thích thú nhiều môn học và dĩ nhiên muốn thành công trong học vấn Gore phải tự hỏi mình thích học môn gì hay thích làm gì trong tương lai. Điều này cũng cho thấy một khuynh hướng tiêu cực của nhiều học sinh, sinh viên tại Mỹ: họ coi điểm (grades) như trò đùa, thích thì học, không thích thì ... không học! Điểm A hay B thì tốt còn nếu như C hay D cũng chẳng khác gì nhau!!!


Khi nộp đơn đại học, không hiểu vì lý do gì Gore tự tin đến nỗi chỉ nộp đơn vào một đại học duy nhất là Harvard (tất cả 4 người con của Gore cũng theo học tại đây.) Năm đó Harvard đã nhận tất cả những học sinh St. Albans nộp đơn xin nhập học vào Harvard. Và như vậy, điều này cho thấy tính tương đối của điểm GPA.

Thầy John Davis, người đã viết thư giới thiệu cho Gore mà không hề quan tâm đến điểm của cậu đã nhận định, “Vào lúc đó, Al Gore là loại học sinh Harvard tìm kiếm. Harvard muốn một người học sinh tốt và có tiềm năng tương lai. Họ rất có ấn tượng rằng Gore là con của một Thượng nghị sĩ liên bang. Những đại học như Harvard, Princeton, Yale rất vui thích khi thu nhận con cái những nhân vật quan trọng. Họ muốn học sinh của chúng tôi y như học sinh của chúng tôi thích trường của họ. Và Al Gore lại là đội trưởng bóng bầu dục. Bất cứ chàng trai cao to nào cũng được các đại học mở rộng vòng tay nếu chơi bóng bầu dục.”

Đại học Harvard và binh nghiệp

Mùa thu năm 1965, Gore bắt đầu cuộc hành trình mới tại trường Harvard với ý định theo chuyên ngành Anh văn. Gore được các sinh viên năm thứ nhất bầu là Trưởng lớp (President) của họ sau một cuộc vận động vất vả. Tuy nhiên, về học lực, Gore bị xếp vào số các sinh viên học dở nhất lớp (bottom 20%) trong năm thứ nhất. Sang năm thứ hai, Gore được một D, một C-, hai C, hai C+, và một B-. Năm thứ hai không hơn gì năm thứ nhất!

Mặc dù có điểm cao về SAT Toán, Gore tìm mọi cách tránh né những môn về Khoa học Kỹ thuật hoặc nếu có phải lấy thì lấy những lớp rất nhẹ như “Vị Trí Của Con Người Trong Thiên Nhiên” nhưng cũng chỉ được điểm D và mùa sau khá hơn là C-. Không có căn bản vững vàng của môn Khoa học ở trung học sẽ là thảm hoạ cho sinh viên trên đại học.


Sang năm thứ ba, Gore lấy một số lớp của Giáo sư Neustadt về phương cách ra những quyết định trong nhiệm kỳ Tổng thống. Một trong những lớp đó Gore được đóng vai TT John F. Kenedy phải ra quyết định trong cuộc tranh chấp hoả tiễn tại Cuba. Và cậu được điểm A trong lớp này, một lớp mà các bạn cùng lớp của Gore thường ngán ngẩm vì Giáo sư Neustadt nổi tiếng rất khó. Thế là Gore chuyển qua tập trung vào chuyên ngành Chính quyền.


Sau đó nhờ một luận án rất khá về ảnh hưởng của truyền hình vào các cuộc tranh cử Tổng thống, cậu tốt nghiệp hạng danh dự vào 1969. Thế là nhờ cơ duyên gặp gỡ Giáo sư Neustadt mà Gore ham thích học hỏi và có được một chuyên ngành để ra trường!

Qua năm thứ tư, Gore lấy lớp Hải dương học của Giáo sư Roger Revelle, một chuyên gia về hiệu ứng nhà kính và hâm nóng địa cầu. Và có lẽ vị Giáo sư này đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của Gore khiến ông đã tranh đấu không mệt mỏi cho môi trường của trái đất. Trong diễn văn đọc khi nhận giải thưởng Nobel Hoà bình ngày 10/12/07 tại Oslo, Na uy vừa qua, ông đã đề cập đến tên tuổi của vị Giáo sư rất đáng kính trọng này.

Sau khi tốt nghiệp Harvard, Gore gia nhập Bộ binh Hoa kỳ năm 1969. Cho dù phản đối cuộc chiến tranh Việt nam khi còn là sinh viên, Gore cũng nhìn nhận rằng phục vụ trong quân đội sẽ giúp Gore sau này trong sự nghiệp chính trị. Chính nhờ quân đội hình ảnh Gore trở nên vững vàng hơn dưới mắt cử tri. Ngoài thân thế gia đình, mạng lưới các cựu sinh viên Harvard hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội cũng mang lại sự hỗ trợ cho Gore.


Sau khóa huấn luyện quân sự trong quân trường, Gore nhận nhiệm vụ làm phóng viên cho nhật báo The Army Flier. Bảy tháng trước khi giải ngũ, cậu được cử đến Việt Nam vào ngày 02/02/1971. Gore phục vụ bốn tháng trong Trung đoàn Công binh 20 ở Biên Hòa và thêm một tháng ở ngành Công binh thuộc căn cứ quân sự Long bình.

Đại học Vanderbilt và cơ hội chính trị

Có lẽ Gore muốn làm mục sư hay một nhà truyền giáo nên sau khi giải ngũ Gore theo học Thần học tại Đại học Vanderbilt và để lại một học bạ gồm ... 5 điểm F (do không hoàn tất khoá học) trong 8 môn học. Gore nhận ra rằng Thần học không phải là hướng đi của mình.


Mẹ Gore, một Luật sư tốt nghiệp đại học Vanderbilt đã khuyến khích cậu đổi qua học Luật cũng tại Vanderbilt. Trong thời gian này, Gore vừa đi học vừa làm phóng viên cho nhật báo The Tennessean tại Tennessee. Gore lưỡng lự chưa biết phải làm gì cho đời mình. Đồng thời Gore cũng thử thời vận trong việc viết lách hay những công việc có liên quan đến ngành cảnh sát. Nói tóm lại, Gore thử tất cả mọi loại công việc để tìm hiểu ý thích bản thân và chọn cho mình hướng đi song song với sự nghiệp chính trị. Đây cũng có thể là thời gian cậu và gia đình ngẫm nghĩ, chờ đợi thời cơ tốt đến với mình.

Tuy nhiên trước khi tốt nghiệp trường Luãt, Gore biết được dân biểu khu vực bầu cử của mình dự tính về hưu, thế là Gore liền nhanh tay nắm bắt cơ hội. Trong khi đó, mẹ Gore muốn cậu đừng bỏ học Luật mà hãy vừa theo đuổi chính trị vừa hoàn tất chương trình học Luật của mình. Nhưng có lẽ chính trị cũng là con đường để Gore “trốn học” nên từ đó người ta không còn thấy Gore trong giảng đường của trường Luật Vanderbilt nữa.


Tiểu sử học hành của Al Gore cho thấy quan điểm của con em chúng ta ngày nay tương đối giống như vị cựu PTT này. Họ không chú ý nhiều về điểm và cứ chạy vòng vòng thay đổi chuyên ngành hay nghề nghiệp khiến cha mẹ “chóng mặt.” Nhiệm vụ của phụ huynh vẫn là kiên nhẫn và chờ đợi. Các em thường chỉ học và làm theo ý thích mà thôi. Nhìn một cách tích cực, sự thay đổi nhiều hướng đi trong đời đã giúp cựu PTT Al Gore biết tự điều chỉnh sau thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000; nhờ vậy ông đã đoạt giải Nobel Hoà bình qua cuộc tìm kiếm giải pháp tốt đẹp hơn cho môi trường chung của trái đất.

No comments: