
Ba năm bú mớm con thơ,
Kể công cha mẹ, biết cơ ngần nào.
Dạy rằng chín chữ cù lao,
Bể sâu không ví, trời cao không bì.
Mới đây vào ngày 23 tháng 7 năm 2006, Tiger Woods thắng một trong những giải lớn và quan trọng của golf, British Open Championship, cậu ôm mặt bật khóc vì nhớ cha cậu mới qua đời hơn hai tháng trước đó tại Cypress, quận Cam, California. Qua dòng nước mắt, cậu cảm thấy như cha mình đang ở đâu đó dưới bóng rợp của vòm cây vẫy tay cười.
Hình ảnh Tiger khóc vì nhớ cha làm xúc động hàng triệu người xem. Tình cảm gia đình, đặc biệt tình cha con, vẫn còn là một gắn bó thiêng liêng! Sau đó cậu tâm sự, “Tất cả tình cảm được chôn chặt trong tâm hồn tôi chợt bùng nổ, vỡ òa ra. Đó là những hình ảnh cha tôi đã giúp tôi trưởng thành... Tôi chỉ muốn cha tôi được một lần nữa chứng kiến tôi chơi golf”
Nhiều người vẫn còn nhớ một cô gái Việt nam, vượt biên vào đất Nhật, đoạt giải nhất về thuyết trình ở Nhật bản do Nhật hoàng trao tặng giải thưởng vào thập niên 1980. Khi đài NHK của Nhật phỏng vấn “Ước mơ của em bây giờ là gì?” thì cô gái đã nghẹn ngào trả lời đơn giản, “Em chỉ muốn cha mẹ em có mặt ở đây để chứng kiến sự cố gắng của em.”
Tuyệt vời làm sao những tình cảm gia đình thân thương đó. Và cũng thật buồn khi thành công không được nhìn thấy cha cười, khi thất bại không được than thở một câu với mẹ…!!!
Cha của Tiger tên là Earl Woods, một cựu Trung tá thuộc Lực lượng Đặc biệt đã từng tham chiến trong chiến tranh Việt nam. Tại đây ông làm việc bên cạnh một Đại tá quân lực Việt nam Cộng hoà, tiểu khu phó tiểu khu Bình thuận tên Vương Đăng Phong. Ông Phong đã cứu mạng Earl hai lần nên Earl đặt cho ông biệt danh là Tiger, nghĩa là con hổ, tượng trưng cho lòng dũng cảm và can đảm.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Earl nhận một học bổng chơi baseball tại đại học Kansas State, và là người da đen duy nhất được học bổng này từ xưa tới giờ. Khi tốt nghiệp đại học, ông được mời chơi cho Kansas City Monarchs, một trong những đội baseball danh tiếng nhất lúc đó nhưng ông đã từ chối để vào phục vụ quân đội. Và ông đã ở trong quân ngũ 20 năm liền, tận tâm tận lực với công việc được giao phó cho tới khi giải ngũ.
Người Mỹ có thói quen đặt tên con theo tên người họ yêu mến. Earl hứa sẽ đặt biệt danh (nick name) cho con trai mình là Tiger như một dấu vết để Tiger Phong – người chỉ có ước mơ đơn giản làm thầy giáo khi đất nước hoà bình – có thể tìm kiếm Earl mỗi khi nghe tới bất cứ một “Tiger” nào khác trên ti vi hay báo chí. Trong chốn riêng tư với nhau, Earl luôn luôn gọi ông Phong là “Tiger Phong.” Và do vậy, Tiger Woods (Tiger2) được đặt tên theo Tiger Phong (Tiger1) để tưởng nhớ một chiến hữu, một người bạn và hơn thế nữa, một người anh em tinh thần của Earl. Trên hết, Earl muốn con trai mình học tập tấm gương can đảm và tình yêu cho sự nghiệp giáo dục của Tiger Phong.
Năm 1997, phóng viên Tom Callahan của tạp chí Golf Digest sang Việt nam, lang thang từ nam ra bắc, từ Sài gòn tới Hà nội, tìm Tiger Phong gần như trong tuyệt vọng để viết phóng sự vì những tin tức từ Tiger Phong sẽ hấp dẫn rất nhiều người đọc. Cuối cùng, Tom Callahan được biết Tiger Phong đã qua đời trong một trại tập trung cải tạo ngoài miền bắc Việt nam. Earl hay tin, sụt sùi than thở, “Thật là lãng phí vô ích. Ông Phong lẽ ra đã làm một thầy giáo tốt. Ông rất quan tâm tới người khác. Ông sẽ cống hiến tài năng khi dạy học ...”
“Con cọp lớn” Phong ra đi mang theo ước vọng nhỏ – làm thầy giáo. “Con cọp con” Woods ở lại nối tiếp bước đi và mỗi ngày chinh phục thêm một đỉnh cao mới. Tiger Woods đã chiến đấu, không phải trên chiến trường nhưng trên sân golf, lẫy lừng ngang dọc khắp nơi trên thế giới. Những chiến thắng và những hợp đồng quảng cáo với hãng giầy Nike trị giá nhiều triệu đô la đã đưa Tiger Woods lên đỉnh cao danh vọng.
Trong thành công của Tiger, người ta tìm thấy những dấu tích nhân bản đầy tình người của người cha. Earl cho rằng, việc nuôi con quan trọng nhất là làm cho chúng nên người tốt, và thành công cách nào đi nữa cũng chỉ là thứ yếu. “…Mục đích chính của tôi không phải là nuôi dạy con thành một người chơi golf. Tôi muốn Tiger trước hết phải là một người tử tế … Tôi chắc rằng Tiger là một người tốt nhiều hơn là một tay chơi golf giỏi.” Earl không bắt con phải tập golf nhiều, ngược lại ông chỉ mang con ra sân khi đã làm xong bài tập cũng như các việc khác trong trường học.
Không dùng con để phục vụ những ước mơ chưa đạt được của mình, ông để cho con sống cuộc đời với những niềm vui và hy vọng của chính nó. “…Cha tôi là công cụ giúp tôi phát triển, nhưng vai trò của cha tôi cũng như mẹ tôi là luôn luôn ủng hộ, hướng dẫn chứ không bao giờ cản đường… Nếu không có cha tôi, tôi sẽ không được như hôm nay.” Tiger phát biểu như vậy trên trang web của mình. Chính Earl đã định hình tính cách Tiger, để con phát triển theo ý riêng, hoàn toàn không ép uổng. Nhưng thật ra không cho Tiger chơi golf cũng giống như không cho Beethoven đến gần đàn piano!
Khi quyết định bỏ ngang việc học tại Stanford để theo đuổi sự nghiệp đánh golf, Tiger trở về nhà, xin cha uống chung với mình một ly rượu đầu tiên trong đời để kỷ niệm một quyết định quan trọng nhất. Và tuy rất coi trọng việc giáo dục, ông tin tưởng rằng con đã đủ trưởng thành để bay cao tìm cho mình một khung trời thích hợp. Xin được mở một dấu ngoặc ở đây, Tiger Woods tốt nghiệp Trung học Western, Anaheim, quận Cam với GPA là 3.7 theo cách tính 4.0 cho tất cả các môn. Sau đó Tiger theo học Economics, một trong những chuyên ngành nhiều sinh viên thứ nhì của Stanford.
Thành tựu đáng kể nhất của Earl vẫn là trong vai trò làm cha và làm mẫu mực nêu gương tốt cho con. Bên cạnh 49 chiến thắng trong các giải chuyên nghiệp, Tiger còn thắng 12 trận trong các giải đấu lớn (Master) – tính đến ngày 20/08/06. Khi còn sống, mỗi lần con tiến lên bục lãnh giải thưởng chiến thắng, ông đứng bên dưới lặng lẽ ngắm nhìn. Không những luôn đi bên con chơi golf, ông còn đi bên cạnh con trên đường đời – khuyến khích Tiger dùng tài năng, tiếng tăm và tài sản của mình làm đẹp cuộc sống bằng cách góp phần thắp lên những ngọn nến sáng cho văn minh nhân loại như Tiger Phong đã ước ao được làm.
Sự cổ võ này đã tạo ra Tiger Woods Foundation và Trung tâm Học tập Tiger Woods (Tiger Woods Learning Center) toạ lạc tại Anaheim, nam California. Cả hai tổ chức trên quyên tặng được nhiều triệu đô la mỗi năm để phục vụ cho học sinh nghèo. Hơn nữa, Earl còn khuyên Tiger tham dự vào First Tee Program, một chương trình nhằm giúp các em học sinh nghèo chơi golf. Như vậy Tiger Woods đã gián tiếp giúp Tiger Phong diễn đạt được bầu trời mơ ước bằng cách làm giảm đi sự nghèo khó và ngu dốt trên thế giới này. Nếu Tiger Phong còn sống, chắc chắn “con cọp lớn” sẽ mỉn cười hạnh phúc vì một phần ước vọng của mình đã được “con cọp bé” thực hiện. Một ý tưởng bắt nguồn từ Việt nam đã được thành hình tại Mỹ!
Tiger Phong – một người Việt nam cao quý, can đảm – đã tạo ấn tượng mạnh mẽ và gây nguồn cảm hứng cho Tiger Woods qua trung gian của Earl Woods. Cả ba người đã tượng trưng cho sự chân thành, can đảm và đam mê trong việc biến đổi thế giới chung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Earl khiêm tốn tuyên bố, “Tất cả đời tôi hướng về những điều tích cực. Đó là mang theo những ước mơ và từng bước thực hiện những ước mơ ấy. Đó còn là vượt qua những chướng ngại và thành kiến vốn có. Cuộc sống là cho đi, chia sẻ và quan tâm tới người khác…Hãy đứng lên cho những gì bạn tin tưởng, hãy lên tiếng và là một gương mẫu khuyến khích cho tất cả những gì tốt đẹp.”
No comments:
Post a Comment